Hàn Quốc muốn đẩy mạnh đầu tư công nghiệp điện tử ở Việt Nam

Tại hội thảo "Đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc và kết nối doanh nghiệp" diễn ra ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết diễn đàn ngày hôm nay là cơ hội tốt để doanh nghiệp Hàn Quốc cập nhật thông tin về môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp hai nước gặp gỡ nhau để tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Ông Kim Joung Sun, Tổng thư ký Trung tâm AKC đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về tăng trưởng. Việt Nam và Hàn Quốc mới thiết lập quan hệ khoảng 20 năm nay nhưng đã đạt được nhiều kết quả to lớn đáng ngạc nhiên ở nhiều lĩnh vực. Thời gian đầu giao dịch thương mại của hai nước chỉ đạt 500 triệu USD nhưng nay đã hơn 30 tỷ USD, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 70 tỷ USD.

“Hiện tại có khoảng 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào lĩnh vực may mặc, giày dép và công nghiệp nhẹ nhưng phạm vi hợp tác kinh tế đang được mở rộng trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như điện tử, công nghệ thông tin. Vì thế đây là cơ hội cho các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam”, ông Kim Joung Sun nói. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Jun Dea Joo cũng lạc quan tin tưởng kim ngạch thương mại song phương của hai nước có thể đạt mục tiêu 70 tỷ USD vào năm 2020.

alt

DN Hàn Quốc muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới trên lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, ông Jun Dea Joo cũng cho biết: “Có một chủ đề đang rất được quan tâm tại giới kinh tế ở Hàn Quốc đó là “Việt Nam là đất nước như thế nào”, kèm theo sự hiếu kỳ đó là câu hỏi “Có nên đầu tư vào Việt Nam hay không”, “Doanh nghiệp mình có nên hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hay không?”…Và ngày hôm nay cũng không nằm ngoài mục đích trả lời cho câu hỏi này”.

Tại hội thảo, đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ: trước đây Trung Quốc cũng từng có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như miễn thuế, nhân công giá rẻ. Tuy nhiên 10 năm sau câu chuyện đã khác, khiến doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc phải dịch chuyển khỏi quốc gia này. “Liệu sau 10 năm nữa chúng tôi có gặp phải bài toán này khi đầu tư vào Việt Nam hay không?”.

Theo Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nói 10 năm sau là rất khó nhưng Việt Nam luôn theo đuổi xu hướng thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư vào Việt Nam. “Chúng tôi không bàn câu chuyện chính sách của Trung Quốc. Nếu dự án đầu tư của các vị không thuộc diện gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ điện năng lớn thì tôi nghĩ các ngài không nên lo lắng. Hơn nữa về vấn đề dân số già ở Việt Nam, theo chúng tôi tính toán phải đến 30-40 năm nữa thì điều đó mới diễn ra.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm vì Nhà nước chúng tôi luôn hỗ trợ và nguồn nhân lực ở Việt Nam rất dồi dào”, Cục trưởng Hoàng nói. Nói về tình hình kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, tăng trưởng ổn định hơn và kiểm soát tốt lạm phát. 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng ở mức 6,28%, dự kiến cả năm 2015 là 6,5%. GDP bình quân là năm 2015 ước đạt 2.200 USD/người. Tổng số vốn cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 257 tỷ USD, giải ngân trên 130 tỷ với hơn 18.500 dự án đang hoạt động. 

Năm 2014, Việt Nam xếp thứ 9 thế giới chỉ số mức độ hấp dẫn đầu tư. Tháng 5/2015 Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do FTA với Hàn Quốc, cùng các hiệp định khác. Việc tham gia FTA đang mở ra cho Việt Nam một nền kinh tế tự do với 55 quốc gia đối tác. Trong đó có 15 thành viên của G-20. Hàn Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam với 39,16 tỷ USD vốn đăng ký qua 4.459 dự án.

Trong đó có hơn 240 dự án với tổng số vốn 16 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện tử góp phần quan trọng quá trình chuyển đổi cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, tăng trưởng kinh tế, xã hội góp phần ổn định cán cân thương mại ở Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng cơ sở. Triển khai mạnh mẽ cải cách về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…phấn đấu đạt mức chỉ tiêu môi trường kinh doanh ngang mức bình quân của ASEAN 6 năm 2015 và ASEAN 4 năm 2016.

Nhiều luật mới được ban hành có hiệu lực từ 1/7/2015 như Luật đầu tư sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi, luật Kinh doanh bất động sản theo hướng minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục phù hơp với tiêu chuẩn quốc tế và cam kết thương mại tự do.... Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao đầu tư hợp tác kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 6/2015 có 18,529 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 257 tỷ USD. Vốn giải ngân hàng năm khoảng 10-12 tỷ USD. Các đối tác đầu tư chính là Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Mỹ,...

Tập trung vào các lĩnh vực chính như công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, dịch vụ lưu trú ăn uống. Hàn Quốc đứng số 1/103 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng số 4,459 dự án đầu tư và 39,16 tỷ USD vốn đăng ký. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sử dụng khoảng 70 chục nghìn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách đều có dự án đầu tư hoạt động tại Việt Nam như Samsung, LG, Hyundai, SK, Lotte...lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là Công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.

Nguồn: Zing News
 

 
Bình luận của bạn