Hàn Quốc muốn xây chợ đầu mối hơn 1 tỷ USD tại Hà Nội

Theo đại diện Korcham, chợ đầu mối này sẽ đi theo mô hình hiện đại, kết hợp các chức năng về thông tin viễn thông nhằm giúp sản phẩm tại Việt Nam có thể kết nối với cả Seoul, Bắc Kinh, Tokyo thông qua hệ thống đấu giá.

Ông Hongsun, Tổng thư ký Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho biết, Korcham đang đề xuất xây dựng chợ đầu mối nông sản với diện tích 300 ha, lớn gấp 6 lần chợ đầu mối hiện đại nhất thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hiện nay. Hiện dự án này đang xin ý kiến Chính phủ Việt Nam.

Chợ đầu mối Long BiênChợ đầu mối Long Biên

Theo ông Hongsun, chợ đầu mối này sẽ đi theo mô hình hiện đại, không chỉ dừng lại là một chợ bình thường vài ha mà kết hợp các chức năng về thông tin viễn thông nhằm giúp sản phẩm tại Việt Nam có thể kết nối với cả Seoul, Bắc Kinh, Tokyo thông qua hệ thống đấu giá. Ngoài ra, chợ đầu mối cũng sẽ có khu khách sạn cho thương nhân nghỉ ngơi, trung tâm thương mại cho bán lẻ…

Quy mô vốn đầu tư của dự án có thể lên tới 1 - 2 tỷ USD, trong đó riêng phần trung tâm giao dịch đầu mối cốt lõi chi phí khoảng 200-400 triệu USD và được xây dựng trong vòng 2-3 năm. Nguồn vốn đầu tư dự kiến sẽ huy động từ quốc tế, trong đó phần chính từ Hàn Quốc và có sự hỗ trợ từ khu vực Nhà nước.

"Chợ đầu mối của Hàn Quốc là mô hình rất phát triển và rất hiện đại, không chỉ dừng lại là chợ bình thường vài ha và chức năng sẽ bao gồm cả hoạt động bán buôn và bán lẻ. Hệ thống đấu giá tại đây cũng rất quan trọng bởi sẽ quyết định giá cả theo thị trường, sản lượng nhiều thì giá rẻ đi và sản lượng ít hơn thì tăng giá”, ông Hongsun nói.

Theo vị đại diện từ Korcham, trong mô hình chợ mới, người bán phải đưa ra được xuất xứ của sản phẩm để đảm bảo an toàn và chất lượng cho người dùng. Ngoài ra, việc cải thiện hệ thống phân phối cũng sẽ tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Trong mô tả của ông Hongsun, đây sẽ là nơi tập trung hết những sản phẩm nông nghiệp, người ta có thể phân loại được những sản phẩm nào tốt để chuẩn bị xuất sang nước ngoài, các sản phẩm bình thường có thể tiêu thụ nội địa qua siêu thị, các chợ truyền thống… 

"Điều này là cách mạng của nông nghiệp, cách mạng về phân phối hàng hoá vì chi phí của phân phối hàng hoá của Việt Nam khá đắt so với các nước tiên tiến khác. Logistic của họ chỉ 10% thôi nhưng Việt Nam lên tới hơn 20%”, ông nói thêm.

Nguồn: Dùng hàng Việt

Bình luận của bạn