Hàng không Việt sẽ mở mới nhiều đường bay

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đến 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển; phát triển đội tàu bay theo hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại; phát triển hệ thống cảng với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở. 

Các hãng hàng không Việt Nam sẽ mở thêm nhiều đường bay ra thế giới. Ảnh minh họa: Đ.Loan

Các hãng hàng không Việt Nam sẽ mở thêm nhiều đường bay ra thế giới. Ảnh minh

họa: Đ.Loan

Mạng đường bay quốc tế đến năm 2020 sẽ tăng tần suất, tăng điểm khai thác, kết hợp khai thác giữa các điểm ở Việt Nam với khu vực. 4 khu vực trọng tâm là Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc); Đông Nam Á (Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và nghiên cứu mở đường bay đến Philippines); Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Trung Đông; đường bay liên lục địa (Pháp, Đức, Anh, Nga, Mỹ và các điểm khác ở châu Âu). 

Mạng nội địa đến năm 2020 sẽ có thêm các đường bay liên vùng, đặc biệt không trung chuyển qua các cảng hàng không tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và nghiên cứu mở các đường bay ra vùng biển đảo Việt Nam. 

Đội tàu bay sẽ khai thác đạt trên 220 chiếc vào năm 2020 và trên 400 chiếc đến năm 2030. Tổng thị trường vận chuyển hành khách được dự báo tăng trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Tổng thị trường vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn 2015-2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030.

Theo quy hoạch cảng hàng không đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 23 cảng hàng không gồm 13 cảng quốc nội và 10 cảng quốc tế, trong đó Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế lớn. 

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, ngành giao thông sẽ nâng cấp, mở rộng 21 cảng hàng không hiện hữu; đầu tư xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng mới sân bay Vân Đồn, Phan Thiết, Sa Pa...

Đến năm 2030, cả nước sẽ có 28 cảng hàng không gồm 15 cảng quốc nội và 13 cảng quốc tế, trong đó 5 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là cửa ngõ quốc tế lớn.

Chính phủ quy hoạch công nghiệp hàng không đến năm 2020, xây dựng hệ thống bảo dưỡng tàu bay làm nòng cốt cho việc phát triển công nghiệp hàng không; sản xuất các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, thực hiện dự án đầu tư sản xuất trang thiết bị hàng không.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành các trung tâm có tầm cỡ khu vực về bảo dưỡng, đại tu động cơ và thiết bị hàng không; từng bước tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, công nghiệp hàng không toàn cầu. 

Bình luận của bạn