Hiệp hội dừa Bến Tre: Tiếp tục cùng doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn

Thời gian qua, giá dừa biến động bất thường, làm ảnh hưởng rất lớn đến các họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân trồng dừa. Đứng trước tình trạng trên, Hiệp hội Dừa Bến Tre ra có  nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giúp doanh nghiệp, nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Sau đây là cuộc trò chuyện ngắn giữa phóng viên Báo Đồng Khởi với ông Nguyễn Trung Chương - Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Trước biến động của thị trường thế giới và thiên tai hạn mặn vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến công nghiệp ngành dừa, làm giảm năng suất vườn dừa. Với vai trò của mình, Hiệp hội đã có những động thái nào giúp doanh nghiệp cũng như người nông dân khắc phục hậu quả?

- Tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm dừa. Bên cạnh đó, thị trường dừa trên thế giới chuyển theo xu thế tuân thủ một số điều khoản trong các hiệp định đã ký kết (WTO, AFTA...), như các vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật; sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ mạnh như Indonesia, Philippin, Thái Lan...  đã chi phối giá các sản phẩm dừa của Bến Tre. Hiệp hội đã kịp thời nắm thông tin, đánh giá tình hình, định hướng, vận động các doanh nghiệp ngành dừa khắc phục khó khăn, duy trì phát triển ổn định.

Hiệp hội đã thường xuyên đưa tin liên quan đến dừa trên website của ngành về diễn biến tình hình xuất khẩu sản phẩm dừa, giá dừa trái, dự báo giá cả cung - cầu, thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập của ngành dừa, các biện pháp chăm sóc dừa và các loại cây trồng xen trong điều kiện hạn mặn, dự báo sâu bệnh hại dừa trong các mùa vụ 2016 - 2017. Mục đích là tạo điều kiện cho hội viên nắm bắt thông tin, liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dừa tỉnh Bến Tre. Lượt truy cập trên trang bình quân 9 ngàn lượt/ngày và kết nối bình quân 30 khách hàng lớn với cơ sở kinh doanh/tháng.

Hiệp hội đã mở nhiều lớp tập huấn về hạch toán kinh tế hộ và kỹ thuật phòng chống sâu bệnh hại mới trên cây trồng điều kiện biến đổi khí hậu nhằm hướng dẫn cho các tổ, nhóm và nông dân trồng dừa hiểu được các khái niệm cơ bản về thị trường, tính toán hiệu quả trong đầu tư và tiết kiệm chi phí sản xuất. Tập huấn về quy luật phát triển của dịch bệnh, kết hợp với kỹ thuật tự nhân nuôi thiên địch nhằm hạn chế việc lạm dụng hay sử dụng không đúng cách thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm về môi trường.

 * Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng hỗ trợ cho ngành dừa và người trồng dừa, 6 tháng cuối năm 2016, Hiệp hội Dừa sẽ tập trung những công việc trọng tâm nào thưa ông?

- Hiệp hội sẽ phối hợp với các chi hội thống kê các hộ trồng dừa có hiệu quả để giới thiệu, nhân rộng; động viên nông dân mở rộng mô hình xen canh, áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc dừa nhằm nâng cao năng suất và sản lượng dừa, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Tiếp tục phối hợp với Ðài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre triển khai Chuyên mục “Ký sự quảng bá sản phẩm dừa và quảng bá doanh nghiệp”, phát sóng định kỳ hàng tháng về các sản phẩm từ dừa. Tham gia phối hợp triển khai Dự án AMD về xây dựng mô hình sản xuất, phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu tại một số xã ở huyện Thạnh Phú. Hỗ trợ triển khai chương trình dừa hữu cơ của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre.

Phối hợp với Sở Công Thương theo dõi, đánh giá về năng suất, sản lượng dừa, về giá dừa, thống kê, hệ thống dữ liệu năng lực hoạt động của các doanh nghiệp và diễn biến thị trường dừa, làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất. Ðẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến công nghiệp, khuyến khích thúc đẩy, đổi mới công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng và thâm nhập thị trường mới trong điều kiện hội nhập thông qua các cơ quan tư vấn.

Hiệp hội sẽ làm việc với Đoàn Giám sát IFAD đánh giá định kỳ năm 2016 - Dự án AMD Bến Tre, báo cáo tình hình hoạt động của Hiệp hội có liên quan với mục tiêu AMD, kết quả thực hiện Dự án AMD đến thời điểm hiện tại thuộc phạm vi thực hiện của Hiệp hội; các hoạt động phát triển chuỗi giá trị dừa; phối hợp với Betrimex thực hiện mô hình hợp tác công - tư (PPP); dự kiến mô hình sản xuất kinh doanh cây dừa kết hợp với các giống cây con khác trong điều kiện biến đổi khí hậu và đề xuất của ngành dừa trong tình hình thiên tai xâm nhập mặn kéo dài.

Ngoài ra, Hiệp hội còn làm việc với Tổng công ty lương thực Miền Nam về việc thực hiện hợp đồng giúp Bến Tre tiêu thụ nông sản của địa phương. Hiệp hội Dừa sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp thành viên cung cấp nguồn đầu vào đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để Công ty lương thực Bến Tre thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết.

Bình luận của bạn