Hợp tác thương mại để nâng cao giá trị hàng Việt
Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam Bộ đã phát huy được hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại, có sức lan tỏa sâu rộng.
Liên kết đầu tư phát triển sản xuất, hạ tầng thương mại
Qua 5 năm triển khai, các doanh nghiệp (DN) đồng hành với chương trình đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng, gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị... trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương TPHCM, tính đến nay, 23 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất, 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng, 53 siêu thị, trung tâm thương mại, 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 chợ đầu mối lớn của TPHCM mỗi ngày tiếp nhận tiêu thụ bình quân 8.000 tấn hàng nông sản thực phẩm từ các địa phương.
Cùng với đầu tư phát triển sản xuất, các DN TPHCM cũng rất chú ý tới phát triển hạ tầng thương mại, nhằm đẩy mạnh việc phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Cụ thể đã đầu tư 13 trung tâm thương mại, 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy tạo mối liên kết trong hoạt động đầu tư kinh doanh và hỗ trợ DN tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích, vận động DN tham gia trưng bày hàng hóa tại các hội chợ, triển lãm, đưa hàng vào các chợ đầu mối, truyền thống...
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, Sở Công Thương TPHCM đã triển khai tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh từ năm 2012.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đến nay, đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, giao thương hai chiều đạt doanh thu 22.132 tỷ đồng, trong đó DN Thành phố đã tiêu thụ hàng hóa trị giá 15.498 tỷ đồng của các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam Bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành phố trị giá 6.634 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thúc đẩy việc đưa hàng hóa vào tiêu dùng, chương trình đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh, các sản phẩm nông sản thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương cũng chưa được khai thác triệt để, nguyên nhân là do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng.
Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất-phân phối đến nay vẫn còn khó khăn do DN nhỏ, hộ sản xuất thủ công chưa bảo đảm tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Để giải quyết những vướng mắc trên, Sở Công Thương TPHCM kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, hướng dẫn các địa phương triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu phù hợp với lợi thế, thế mạnh của từng địa phương; có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ DN đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp gắn với phân phối tại địa phương.
Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn
Tại hội nghị tổng kết 5 năm chương trình hợp tác giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch 2016-2020, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương TPHCM cần tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai chương trình hợp tác thương mại theo hướng tăng cường liên kết hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lý ngành công thương.
Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công thương, thông tin thị trường, tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, các mặt hàng thế mạnh của các địa phương, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Sở Công Thương các tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho DN TPHCM tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, qua đó, hướng tới việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn.
Sở Công Thương các tỉnh, triển khai, thúc đẩy DN tạo lập các mối liên kết sản xuất, lưu thông hàng hóa, song song với việc tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đưa vào thị trường TPHCM bảo đảm an toàn thực phẩm.