ITPC chú trọng đưa hàng Việt vào thị trường Myanmar
Ngày 25/1, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức buổi trao đổi thông tin với các doanh nghiệp về “Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt Nam”; đồng thời giới thiệu về Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ - Du lịch TP.HCM Việt Nam – Myanmar 2016 (Ho Chi Minh City Expo 2016) tại Yangon từ ngày 1/4 đến 4/4/2016 cùng chương khảo sát thị trường tại thành phố Yangon và thành phố Mandalay từ ngày 31/3 đến 5/4/2016.
Trong những năm qua các DN Việt Nam ngày càng quan tâm đến thị trường Myanmar. Qua 4 lần tổ chức liên tục Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Việt Nam – Myanmar (Ho Chi Minh City Expo) để giới thiệu hàng hóa Việt Nam và 6 lần khảo sát thị trường kinh doanh, đầu tư, kết nối giao thương, tạo cơ hội cho DN tiếp cận nhanh thị trường do ITPC tổ chức, đã có nhiều DN tìm được đối tác làm nhà phân phối tại Myanmar.
Ông Nguyễn Thiết Hòa- Giám đốc ITPC cho biết: Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, được sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, ITPC sẽ tiếp tục tổ chức Ho Chi Minh City Expo 2016 tại Yangon từ ngày 1/4 đến 4/4/2016 với quy mô 120 gian hàng. Đối tượng tham gia là các DN, đơn vị Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực xuất khẩu, được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành và các tổ chức xúc tiến thương mại tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành nghề...
Nét mới trong Ho Chi Minh City Expo 2016 là khu vực triển lãm nông nghiệp công nghệ cao và khu trưng bày giới thiệu vật liệu xây dựng. ITPC phối hợp với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và cùng DN đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm mới, kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao đến với nông dân và DN Myanmar. ITPC phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM giới thiệu các loại vật liệu xây dựng, các công nghệ mới ứng dụng trong xây dựng. Ngoài ra, ITPC cũng hỗ trợ DN trưng bày các cataloge tại gian hàng chung của Ban tổ chức.
Đồng thời, ITPC cũng tổ chức chương trình khảo sát thị trường tại thành phố Yangon và thành phố Mandalay từ ngày 31/3 đến 5/4/2016. Các DN sẽ khảo sát thực địa tại các chợ đầu mối, chợ trung tâm, siêu thị, khu vật liệu xây dựng, văn phòng đại diện Satra, khu thương mại Hoàng Anh Gia Lai.
Theo ông Nguyễn Thiết Hòa: Thị trường Myanmar còn dư địa cho hàng Việt Nam thâm nhập với những phân khúc khác nhau, đa dạng về nhu cầu; nhiều ngành hàng có tiềm năng cao như thực phẩm, hàng tiêu dùng, nước giải khát, vật liệu xây dựng, hàng điện máy, sản phẩm phục vụ nông nghiệp... DN cần nắm rõ chính sách thuế, hải quan để kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra, thị trường Myanmar hiện phân khúc bình dân vẫn chiếm phần lớn, nhưng phân khúc tiêu dùng trung và cao cấp cũng đang có chiều hướng tăng từ khi Myanmar mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2015 Việt Nam xuất sang Myanmar đạt trên 378,5 triệu USD. Mặc dù so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thương mại song phương Việt Nam – Myanmar còn thấp, nhưng Myanmar vẫn được xác định là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng Việt Nam. Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh chủ trương tích cực xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường này, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) đã được thành lập, bên cạnh việc cắt giảm thuế của các nước, cộng với những điều kiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư nội khối cũng sẽ được mở ra sẽ giúp DN thêm nhiều cơ hội thâm nhập thị trường tiềm năng này.