Khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thương mại điện tử

Sáng 01/12 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện của chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021” được tổ chức thường niên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Đề án này đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25% mỗi năm…

Toàn cảnh Hội thảo“Ngày nông dân không dùng tiền mặt”

Hội thảo do ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân; ông Phạm Tiến Dũng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông và Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay chủ trì. Hội thảo đồng thời có sự tham gia của đông đảo các nông dân tiêu biểu toàn quốc cùng Lãnh đạo một số Ngân hàng, Viettel Pay, sàn thương mại điện tử Voso. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận về 2 chủ đề chính: Chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; các giải pháp, sản phẩm thúc đẩy TTKDTM để giới thiệu đến cho người nông dân những cơ chế chính sách, lợi ích của hoạt động TTKDTM. Các tham luận và phần hỏi đáp tại Hội thảo tập trung vào một số nội dung như: Xu hướng chuyển đổi số, thanh toán số, các sản phẩm dịch vụ mới trong thực tiễn, phương thức thanh toán mới Mobile Money, các giải pháp truyền thông giáo dục tài chính cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương

Đối với băn khoăn của người nông dân trong việc cần phải xây dựng, tổ chức các điểm giao dịch có quy mô như sàn giao dịch thương mại điện tử để ứng dụng TTKDTM ở khu vực nông thôn trở nên phổ biến hơn với người nông dân, cũng như có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mở sàn giao dịch thương mại điện tử ở khu vực nông thôn, vùng xa, vùng miền núi, ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai rất nhiều chương trình tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông đặc sản của các vùng miền, địa phương trên cả nước thông qua việc phối hợp với các sàn thương mại điện tử và đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Với góc độ là cơ quan quản lý, ông Hoàng cho biết, không có hạn chế nào trong việc mở các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng như các website thương mại điện tử. Sàn hay website thương mại điện tử cũng có thể hình dung như một cửa hàng hay một siêu thị bán hàng của doanh nghiệp hay cá nhân trên môi trường số, quan trọng là thực thể hàng hóa được lưu thông từ vùng miền này đến các vùng miền khác, chứ không phải là vị trí mở Sàn thương mại điện tử nông thôn hay thành thị. Việc mở một trang thương mại điện tử về mặt kỹ thuật không khó, nhưng để trang thương mại điện tử đó vận hành tốt, quảng bá tốt sao cho có nhiều người mua hàng hóa qua sàn giao dịch thương mại điện tử đó là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, để có thể vận hành một sàn giao dịch thương mại điện tử đòi hỏi cần có nhiều nguồn lực, cả về số lượng nhân sự và năng lực nhân sự... Do vậy các hộ nông dân, hợp tác xã hoàn toàn có thể liên kết với các sàn thương mại điện tử hiện nay với các chuyên mục nông sản như Voso, Sendo Farm, Postmart, Shopee Farm... có sẵn năng lực vận hành, có khả năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, có khả năng giúp nông sản vận chuyển tới tay người tiêu dùng trên khắp vùng miền. Qua đó cũng có thể tận dụng thêm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ các Bộ ngành Trung ương, các sàn thương mại điện tử đối tác để việc tiêu thụ nông sản đạt được kết quả và hiệu quả tốt nhất.

Thời gian tới, theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.

Đồng thời với đó là đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Bình luận của bạn