Kinh tế xanh và sức sống làng nghề
1. “Làng nghề” - hai chữ cất lên đã chạm tới những vùng ký ức sâu xa của văn hóa Việt Nam, một cộng đồng ôm chứa nhiều giá trị truyền thống và lưu giữ bao nét tài hoa của đôi bàn tay cùng óc sáng tạo của người Việt. Những nhân tố làng nghề xưa cùng với các hoạt động giao thương tấp nập cũng đã mang tới cho Thăng Long một nền tảng hình thành nên vùng Kẻ chợ - Kinh kỳ sôi động, giàu bản sắc.
Giữa Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, sự kiện Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016 như gợi nhắc lại vùng ký ức sâu thẳm và sống động ấy. Còn nghe từ đây - trong không gian tái hiện một số làng nghề truyền thống giữa thế kỷ XXI này những “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã” nức tiếng hôm qua và nhiều thương hiệu còn tới hôm nay.
Hiện cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận. Trên 400 làng nghề truyền thống lưu giữ hơn 53 nhóm nghề, trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, gốm Chu Đậu... Riêng Thủ đô Hà Nội sở hữu 1.350 làng nghề đã được công nhận, hàng trăm làng nghề, phố nghề truyền thống.
Vốn quý ấy hẳn cần được lưu truyền và phát huy mãi trong đời sống thực, chứ không chỉ tồn tại trong ca dao, dân ca. Trong đó, du lịch gắn liền với phát triển, làng nghề và làng nghề cần phát triển du lịch như hai mặt gắn bó chặt chẽ của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong thời đại kinh tế tri thức, của hội nhập quốc tế sâu rộng.
2. Phát triển du lịch làng nghề là phát triển kinh tế xanh, phù hợp với xu thế thế giới. Đất nước Thái Lan có hơn 50 nghìn làng nghề thủ công được tổ chức lại một cách hệ thống theo mô hình OTOP (One tampon, one product: Mỗi làng nghề một sản phẩm) gắn liền và phục vụ chặt chẽ cho hoạt động du lịch. Không chỉ Châu Á với đặc trưng của nhiều quốc gia có làng nghề mà ở các nước thuộc châu lục khác trên thế giới cũng đều chú trọng phát triển du lịch trên cơ sở nghề thủ công truyền thống. Bài học chung đúc rút từ các mô hình này là, để có một nền tảng du lịch làng nghề thực sự, phải cần đến cả hai yếu tố: trước hết, làng nghề phải có những giá trị văn hóa đủ sức nặng để du lịch khai thác và hai là những vấn đề thuộc điều kiện, kỹ năng… của ngành công nghiệp không khói.
Sở hữu con số hàng trăm, hàng nghìn làng nghề truyền thống, nhưng du lịch làng nghề Việt hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với những giá trị đã vun đắp được qua chiều dài lịch sử. "Con tàu" du lịch làng nghề chưa cất cánh được vì chính sức nặng của sự lạc hậu, chậm vận động, đổi mới và thiếu hẳn một "đường băng" của chiến lược dài hơi. Làng nghề có nghề, có sản phẩm nhưng thiếu độ đặc sắc, nét độc đáo đủ làm nên sự khác biệt, sức hấp dẫn. Điều này có thể có phần trách nhiệm của một chiến lược phát triển du lịch đủ để gắn kết những đặc thù trong hoạt động làng nghề với những điểm dừng chân của một tour du lịch; song cũng là câu chuyện về việc giữ nghề cho làng, cho nước đang còn thiếu những chăm chút một cách bài bản, có lộ trình.
Cũng còn rất nhiều nỗi trăn trở khác, như: Việc thiếu hẳn một cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch là đường sá, khu trình diễn nghề gắn với trưng bày sản phẩm, đồ lưu niệm, mô hình bảo tàng nhỏ... nhìn rộng hơn là câu chuyện quy hoạch, phát triển bền vững làng nghề với môi trường sạch - sạch từ đường làng, ngõ xóm tới cả hệ thống nhà vệ sinh phục vụ khách sao cho thuận tiện, sạch sẽ…
Chỉ khi hóa giải được những trăn trở ấy, "hũ vàng” của cha ông gửi lại thế hệ sau mới được mở ra, tỏa sáng ở mỗi làng quê, tạo thành sức mạnh nội sinh của một nền kinh tế xanh, kinh tế tri thức.
3. Phát triển du lịch làng nghề là phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa, thực sự đòi hỏi một tầm nhìn văn hóa, ứng xử văn hóa và hoàn toàn không chấp nhận những cách làm kiểu chụp giật hay tranh thủ trước mắt.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cho chúng ta một điểm tựa, động lực lớn cho câu chuyện này. Đó chính là “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội… Gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”.
Với Hà Nội, phát triển du lịch làng nghề cũng là chủ trương của thành phố. Quy hoạch phát triển làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030 (phê duyệt năm 2013) đã xác định “Phát triển nghề, làng nghề cần gắn với phát triển du lịch, tạo thành các tour du lịch hấp dẫn…; Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến với làng nghề, sử dụng sản phẩm và dịch vụ của làng nghề”. Quy định chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố (ban hành kèm Quyết định 31 ngày 4-8-2014 của UBND TP Hà Nội) cho thấy nhiều nội dung có tác động về cơ bản tới phát triển du lịch làng nghề. Như chính sách “hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm”, hay “hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu làng nghề” rồi “hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề” trong đó có xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề với những nội dung hết sức cụ thể như “hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, xây dựng khu trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm…”.
Chủ trương, chính sách là một thuận lợi lớn, nhưng việc thực thi cũng cần các ngành tích cực, linh hoạt. Đó là những hội chợ, triển lãm, những hoạt động tuyên truyền, quảng bá giao thương để ánh sáng từ làng nghề lan xa hơn. Đó là trông cậy vào sức bật nội tại của chính làng nghề, của chính các nghệ nhân với lòng yêu vốn cũ và cả ý thức vươn lên làm giàu một cách bền vững. Và rộng hơn, xa hơn là trông vào nhịp cầu nối những giá trị của làng nghề với phố nghề, của làng nghề với du lịch... vừa mang kinh tế xanh đến cho nghề thủ công, vừa mang sức sống của làng nghề, của văn hóa Việt vươn ra thế giới.