Liên kết nông dân - tiểu thương chợ đầu mối: Hiệu quả kép

Lâu nay, việc buôn bán của nông dân và tiểu thương phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, tiểu thương không thể chủ động được nguồn hàng, nông dân bị ép giá. Để khắc phục tình trạng đó, tiểu thương tại nhiều chợ đầu mối đã thực hiện mô hình đầu tư khép kín với nông dân, mang lại hiệu quả kép cho cả hai bên.

Mô hình này đã được nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng hoa tươi tại chợ đầu mối Hóc Môn triển khai từ nhiều năm nay, mang lại nhiều lợi ích do liên kết đầu tư khép kín từ cung cấp giống, chăm sóc đến tiêu thụ giữa hai bên mà không cần tới thương lái.

alt

Nông dân yên tâm về đầu ra khi tham gia vào mô hình liên kết với tiểu thương tại các chợ đầu mối

Bà Huỳnh Thị Ánh Phương - tiểu thương tại chợ đầu mối Hóc Môn - cho biết, việc liên kết với nông dân đã được bà thực hiện vài năm nay. Bà hỗ trợ cho nông dân phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc như thế nào cho tốt và đạt năng suất cao. Tới mùa thu hoạch, bà sẽ cử nhân viên tới tận nơi gom hàng cho nông dân đúng với giá thị trường.

Theo bà Hoàng Thị Bảy - chủ vựa rau tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn: Nguyên tắc của mô hình này là nhà vườn nhận đầu tư từ chủ sạp, có nghĩa vụ sản xuất rau đạt tiêu chuẩn an toàn, cung cấp hết sản lượng cho chủ sạp chứ không được bán rau ra ngoài. Còn chủ sạp có nghĩa vụ mua hết hàng do nhà vườn trồng với giá theo giá bán sỉ của thị trường.

Việc đầu tư trực tiếp từ nhà vườn đã và đang đem lại hiệu quả cho cả hai phía. Nguồn hàng của các tiểu thương ổn định. Nông dân có đầu ra cho sản phẩm, được các tiểu thương hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rau, củ theo quy trình sạch…

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, đã có rất nhiều tiểu thương thành công khi thực hiện mô hình liên kết này. Tuy nhiên, việc đầu tư theo mô hình khép kín mới chỉ được áp dụng với mặt hàng hoa tươi, rau, củ các loại, còn các mặt hàng trái cây thì rất ít vì trái cây chỉ hợp với một số vùng nhất định, hơn nữa, thời gian đầu tư dài, lâu thu hồi vốn, vì thế tiểu thương không mặn mà. Ngoài ra, khi thực hiện mô hình này, tiểu thương và nhà vườn thường không ký kết hợp đồng bằng văn bản mà chỉ có hợp đồng miệng, nên tiểu thương dễ gặp rủi ro trong quá trình hợp tác. Cụ thể, trước kia các tiểu thương đầu tư sản xuất ớt với số lượng nhất định, nhưng đến khi ớt được giá trên thị trường, các thương lái đổ về nhà vườn mua với giá cao nên nhiều nông dân đã quên lời hứa và bán ớt cho thương lái khiến tiểu thương bị thiệt hại khá nhiều.Ông Nguyễn Văn Ba - một trong những nông dân đang liên kết với bà Phương - cho hay, gia đình ông có hơn 1 công đất trồng rau, củ các loại. Nhờ người quen giới thiệu, ông đã liên kết với bà Phương, không còn lo phải tìm đầu ra cho sản phẩm, được hỗ trợ vốn sản xuất, sản phẩm bán theo giá thị trường, không lo bị thương lái ép giá như trước.

Mặc dù còn những bất cập, nhưng việc hợp tác giữa tiểu thương và nông dân nên được nhân rộng và hợp thức hóa bằng các hợp đồng ràng buộc theo luật định.

Nguồn: báo Công thương

 

Bình luận của bạn