Mở cửa bầu trời ASEAN, tăng áp lực cho hàng không Việt
Khi mở cửa bầu trời ASEAN các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á có thể tự do hóa vận tải nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức về cạnh tranh, hạ tầng khai thác khi mật độ máy bay dày đặc hơn tại các sân bay.
Cơ hội nhiều, thách thức không nhỏ
Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn ít tháng nữa cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ chính thức đi vào hoạt động. Ở lĩnh vực hàng không các nước ASEAN sẽ hướng đến một thị trường hàng không chung, hay còn gọi là “Bầu trời mở ASEAN”. Thực ra việc mở cửa bầu trời theo Hiệp định Tự do hóa vận tải hành khách giữa các nước ASEAN ký ngày 12-11-2010 đã có hiệu lực giữa các nước đã phê chuẩn hiệp định này. Và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định từ cuối năm 2011.
Mở cửa bầu trời được xác định là một phần quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước ASEAN, bởi việc liên kết giao thông, nhất là hàng không sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy du lịch, đồng thời giúp ngành hàng không trong khu vực cạnh tranh hơn.
Đến thời điểm này hầu như các hãng hàng không Việt Nam đã thấy được những cơ hội và thách thức từ việc mở cửa bầu trời ASEAN. Nói về cơ hội khi mở cửa bầu trời ASEAN, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc của Jetstar Pacific, cho biết việc tự do hóa vận tải hàng không ASEAN sẽ cho phép các hãng hàng không của mỗi nước được khai thác không hạn chế thương quyền 3, 4 và 5 giữa các thành phố có sân bay quốc tế của mỗi nước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hành khách, góp phần đẩy mạnh và phát triển du lịch, giao thương kinh tế, văn hóa giữa các thành phố của các nước Đông Nam Á với nhau.
Còn đại diện của VietJet Air - một hãng hàng không non trẻ cũng đánh giá rằng, sự kiện mở cửa bầu trời ASEAN là một bước ngoặt đối với ngành hàng không. Đây là một cơ hội để các hãng hàng không Việt Nam mở rộng phát triển mạng đường bay đến các nước trong khu vực. Khi đó, việc kết nối giữa các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ những cam kết của các chính phủ trong thỏa thuận bầu trời mở.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội phát triển thị trường thì thách thức cũng không nhỏ. Ông Lê Hồng Hà của Jetstar Pacific lo lắng, “một khi các hãng đều tăng tần suất các chuyến bay hoặc một đường bay có nhiều hãng mở thì việc phải đối mặt với khó khăn trong việc xin giờ cất hạ cánh tại các sân bay quốc tế do mật độ khai thác tăng lên cao là điều không thể tránh khỏi”, ông nói.
Thực ra những trở ngại mà các hãng phải đối mặt không phải ở trên bầu trời mà là vấn đề ở dưới mặt đất. Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam năm 2015 diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, ông Dương Trí Thành, Phó tổng giám đốc của Vietnam Airlines (VNA), đặt vấn đề khi mật độ máy bay tăng nhanh nhưng hạ tầng không tăng theo kịp sẽ dẫn tới ách tắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm, hủy chuyến gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ của ngành.
Làm gì để biến thách thức thành cơ hội
Có thể nói các hãng hàng không Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội từ việc mở cửa bầu trời ASEAN. Từ hai năm nay các hãng đã bắt đầu chuẩn bị các kế hoạch để tham gia vào sân chơi này.
Đầu tiên là Vietnam Airlines đã chuẩn bị cho sự kiện này bằng việc nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không theo tiêu chuẩn quốc tế từ mức 3 sao lên 4 sao. Hãng đã thực hiện kế hoạch này bằng việc đầu tư đội máy bay hiện đại. Trong đó, hãng sẽ thay thế toàn bộ đội tàu bay thân rộng với 33 chiếc, trong đó có 19 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 14 chiếc Airbus A350-900XWB (bao gồm cả mua và thuê), được chuyển giao dần trong vòng hơn ba năm, từ giữa 2015 đến đầu năm 2019. Những loại máy bay mới này sẽ cho phép hành khách được truy cập Wi-Fi trên máy bay. Đây là điểm khác biệt giữa dịch vụ của VNA với các hãng còn lại của Việt Nam.
VietJet Air cũng không chịu kém khi chuẩn bị rất kỹ những kế hoạch để có đủ khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực khi tham gia vào sân chơi bầu trời mở ASEAN. Đại diện của VietJet Air tiết lộ, để cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không mạnh trong khu vực, hãng đã chú trọng vào ba nội dung trọng tâm là công tác nhân sự, đội tàu bay và tăng cường năng lực quản trị vận hành bên cạnh khả năng tài chính.
Đối với công tác nhân sự, VietJet Air đã đầu tư trung tâm đào tạo, trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của học viên. Về đầu tư đội bay, bên cạnh hợp đồng thuê mua 100 tàu bay với Airbus đã ký vào năm 2014, tại triển lãm hàng không Quốc tế Paris Airshow 2015 vừa qua VietJet Air đã ký tiếp hợp đồng bổ sung đặt mua thêm sáu máy bay A321.
Một bước đi quan trọng khác để đón bầu trời mở ASEAN của VietJet Air là góp 49% vốn với Kan Air của Thái Lan để thành lập liên doanh Thai VietJet Air vào năm 2013. Hãng này được khai thác cả các chuyến bay nội địa và quốc tế từ sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) và mới đây cũng đã mở đường bay từ Bangkok đến Cần Thơ của Việt Nam.
Không ngồi yên nhìn các đối thủ cạnh tranh chuẩn bị cho bầu trời mở ASEAN, Jetstar Pacific cũng sẽ chuyển đổi sang khai thác hoàn toàn bằng dòng máy bay Airbus A320/A321, trẻ hóa đội bay, tăng máy bay, mở các đường bay quốc tế trong khu vực, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bầu trời mở ASEAN sẽ đẩy các hãng hàng không vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn, buộc các hãng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá vé. Điều này sẽ giúp người dân trong khu vực có thể đi lại dễ dàng từ nước này sang nước kia với giá vé thấp. Khi đó, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ bầu trời mở ASEAN. Và điều này chỉ còn vài tháng nữa đã trở thành hiện thực.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn