Mô hình kinh doanh hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt
Nông nghiệp được xem là một trong những ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, thế nhưng khả năng cạnh tranh nông sản trên sân nhà và cả thị trường quốc tế vẫn còn khá thấp. Sản xuất nhỏ lẻ, chưa đầu tư về mặt công nghệ cũng như thiếu liên kết với hệ thống thu mua là những yếu tố khiến giá nông sản luôn bấp bênh.
Gần đây, một số mô hình kinh doanh mới từ các doanh nghiệp trẻ đã giúp tăng tính cạnh tranh của nông sản, giúp nhà nông tăng thêm thu nhập để tự tin cải tiến sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nâng cao giá trị bằng ý tưởng, công nghệ
Là người có kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm từ dừa, Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hamona đã nghiên cứu xu hướng tiêu dùng ở các nước phát triển từ 3 năm trước và nhìn thấy khoảng trống cho các sản phẩm sáng tạo, có chất lượng cao.
Anh cho biết, doanh thu từ thị trường nước dừa khoảng 1 tỷ USD/năm chủ yếu từ các sản phẩm đóng chai, lon, hộp giấy có sử dụng chất bảo quản và hương vị thiếu tự nhiên.
Tìm hiểu xu thế tiêu dùng hướng đến các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, Long và các đồng sự bắt tay vào xây dựng thương hiệu dừa tươi Hamona. Bài toán cho Hanoma khi khởi nghiệp, bên cạnh nguồn nhân lực và vốn yếu, còn có việc sáng tạo một sản phẩm độc đáo.
Trong cái khó ló cái khôn, Nguyễn Hoàng Long nghĩ đến việc lấy chính trái dừa làm bao bì tự nhiên nhất để uống nước dừa, điều này giúp sản phẩm nhỏ gọn, giảm chi phí vận chuyển mà vẫn đảm bảo yếu tố tự nhiên và thẩm mỹ. Thế là thương hiệu Hamona ra đời vào đầu năm 2013 cung cấp những trái dừa tươi ngon, lành mạnh, giúp người sử dụng dễ dàng mang theo bên mình.
Sử dụng nguồn dừa tươi của chính nông dân tại Bến Tre, Tiền Giang, dừa Hamona được nâng lên một bậc khi được gọt sạch lớp vỏ ngoài một cách khéo léo, đánh dấu chỗ ghim ống hút rồi được bao bởi màng sinh học giúp sản phẩm tươi lâu, chống vi khuẩn xâm nhập. Việc sử dụng công nghệ sinh học, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khả năng truy xuất nguồn gốc cũng giúp dừa tươi Hamona đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện dừa tươi Hamona đã có mặt tại chuỗi siêu thị An Nam Gourmet, Citimart, Linh Fruit… với lượng tiêu thụ 1.000 trái/ngày và đã có lô hàng đầu tiên xuất sang Hàn Quốc. Đây cũng là tiền đề để dừa tươi Hamona có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu trong tương lai.
Cũng canh cánh với đầu ra cho trái cây như Nguyễn Hoàng Long, ông chủ trẻ Mai Trường Giang - người mang thương hiệu bánh canh Bến Có, Trà Vinh lên Sài Gòn cũng quyết định xây dựng thương hiệu cho trái cây quê hương. Cái tên Namfruit - Fresh From Farm vừa ra mắt trong năm 2015 cung cấp trực tuyến cam sành từ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Vẫn là trái cam sành nhưng được đầu tư từ việc thu mua, đóng gói và phân phối chuyên nghiệp, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, cam sành Namfruit đang nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Giang cho biết, với kinh nghiệm phát triển chuỗi thực phẩm, anh kỳ vọng sẽ phát triển Namfruit thành chuỗi thương hiệu không chỉ có trái cây tươi mà còn các sản phẩm chế biến từ trái cây. Dự kiến, cửa hàng Namfruit đầu tiên sẽ ra mắt vào tháng 11 tới.
Cần liên kết chặt chẽ với nhà nông
Với các doanh nghiệp cung ứng nông sản, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm luôn được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào nông dân, những người trực tiếp tạo ra sản phẩm. Làm sao để nông dân xem mình là một phần trong thương hiệu, tự tin đầu tư bài bản để nâng cao chất lượng sản phẩm là điều các doanh nghiệp trẻ đang nỗ lực tiến hành.
Mai Trường Giang cho biết, hiện nay Namfruit đã kết nối được với 5 hộ trồng cam ở Cầu Kè, Trà Vinh để đảm bảo nguồn cung sản phẩm cũng như chất lượng đầu vào. Sắp tới, để phục vụ cho kế hoạch ra mắt cửa hàng, anh đang khảo sát và liên kết với các trang trại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ để đảm bảo đầu vào sản phẩm. Nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, Mai Trường Giang sẽ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây tươi để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu dự kiến vào tháng 3/2016.
Còn với Nguyễn Hoàng Long, đây là thời điểm khá thuận lợi để anh nhắm đến thị trường xuất khẩu. Sự hợp tác với nông dân trồng dừa Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển vùng nguyên liệu cho dừa tươi Hamona là một trong những chiến lược của công ty Hamona trong thời gian tới.
Hiện nay, Hamona đã kết nối với 20 hộ trồng dừa ở Bến Tre và Tiền Giang và sẽ mở rộng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thiết lập hợp tác chặt chẽ với nông dân giúp Hamona đảm bảo chất lượng đầu vào và giúp dừa tươi Hamona khẳng định được tên tuổi trên thị trường, ngược lại, công ty giúp nông dân đảm bảo đầu ra với thu nhập tăng thêm 30%, từ đó, nông dân mạnh dạn đầu tư vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất và mở rộng trang trại.
Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trẻ hiện nay là vốn và nguồn nhân lực để mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến những thị trường lớn hơn. Ngoài điểm thuận lợi là nhiều quỹ đầu tư vẫn có nhu cầu tìm kiếm các công ty triển vọng để hỗ trợ vốn, điều quan trọng là các công ty nhỏ có đủ chủ động, thông minh, có chiến lược và tầm nhìn để tiếp cận.
Bên cạnh đó, việc không ngừng cập nhật xu hướng thị trường để tạo ra các sản phẩm mới có tính khả thi cao sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn