Nâng cao giá trị hàng nông sản nhờ chiếu xạ kiểm dịch
Vải thiều là một trong những loại quả dễ bị nhiễm côn trùng, sâu bệnh hại, cần phải kiểm soát để đảm bảo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Chiếu xạ được xem là biện pháp kiểm dịch hiệu quả đối với các loại quả tươi và được nhiều nước chấp nhận vì tính thân thiện và khả năng xử lý quy mô lớn… Chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu, góp phần hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung, quả vải thiều nói riêng.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
TS Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội |
PV: Thưa ông, công nghệ chiếu xạ kiểm dịch thực vật với mục đích nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh có nguồn gốc từ nông sản cho đến nay không còn xa lạ. Vậy tại sao đến giờ công nghệ này mới được triển khai bài bản? Theo ông, để áp dụng công nghệ này cần phải có những yếu tố gì?
TS Trần Minh Quỳnh: Chiếu xạ thực phẩm đã được nghiên cứu từ giữa thế kỷ trước, với rất nhiều bằng chứng khẳng định tính lành của thực phẩm chiếu xạ, cũng như tính hiệu quả của công nghệ chiếu xạ trong việc làm chậm chín hoa quả tươi, ức chế nảy mầm các loại củ (khoai tây, khoai lang, củ từ…) và bẹ (hành tây, tỏi tây), kiểm soát côn trùng, ký sinh trùng, dịch bệnh, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh và giảm nhiễm khuẩn, nấm mốc có trong nông sản khô.
Công nghệ chiếu xạ đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) xem như biện pháp hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh nguồn gốc thực phẩm. Xử lý chiếu xạ kiểm dịch đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát sự phát tán của các côn trùng, sâu bệnh hại giữa các vùng, miền lãnh thổ. So với một số phương pháp kiểm dịch truyền thống khác như xử lý hơi nước nóng, nhiệt, hóa chất, chiếu xạ có thể được thực hiện với sản phẩm đã đóng gói, trên quy mô lớn và không để lại bất kỳ dư lượng độc hại nào, nên đã được IAEA khuyến cáo sử dụng để kiểm soát côn trùng, dịch bệnh trong sản phẩm nông nghiệp xuất nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, nhiều nước phát triển đã cho phép và khuyến khích áp dụng biện pháp chiếu xạ kiểm dịch đối với hàng nông sản, thậm chí một số quốc gia như Mỹ, Úc, Chile xem đây là biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với nông sản nhập khẩu.
Ở Việt Nam, việc kiểm soát côn trùng giữa các vùng, miền trong nước chủ yếu dựa vào phương pháp xử lý hóa chất, nên công nghệ này chưa được triển khai như kỳ vọng, dù chiếu xạ kiểm dịch đã được nghiên cứu từ cuối thế kỷ trước. Chỉ đến cuối năm 2008, khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép quả thanh long chiếu xạ từ Việt Nam được vào thị trường Mỹ, sau đó là chôm chôm năm 2010 và gần đây nhất, tháng 10 năm 2014 là vải, nhãn với yêu cầu phải kiểm dịch bắt buộc bằng chiếu xạ liều tối thiểu 400Gy, công nghệ này mới được phát triển mạnh mẽ để xử lý kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu.
Để áp dụng kỹ thuật chiếu xạ kiểm dịch thực vật, bảo đảm chất lượng nông sản xuất khẩu, trước tiên nông sản phải được trồng và thu hoạch theo Quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, tại vùng trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng (Production Unit Code). Sản phẩm nông nghiệp phải được đóng gói theo đúng quy định tại cơ sở đóng gói có đăng ký (Packing House Code) và được Cục Bảo vệ thực vật xác nhận là đạt yêu cầu kiểm dịch.
Cơ sở chiếu xạ cần phải trang bị hệ thống kho chứa và bảo quản phù hợp, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, quá trình chiếu xạ được vận hành theo Quy trình chuẩn (Standard Operation procedures) và phân bố liều hấp thụ trong thùng hàng đối với mỗi loại sản phẩm chiếu xạ phải được xác định và báo cáo cho quốc gia nhập khẩu để được cho phép xử lý chiếu xạ.