Nghệ An: Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản an toàn

Nghệ An là tỉnh có diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn, với trên 35 nghìn ha. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 7 vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học (ATSH), với diện tích 240 ha. 

Nhiều mô hình được nhân rộng 

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Nghệ An đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đến nay, tình trạng sử dụng chất cấm dùng trong nuôi trồng và việc lạm dụng kháng sinh để phòng, điều trị bệnh cho các loài thủy sản đã giảm hẳn.

Nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) an toàn, không sử dụng chất cấm, kháng sinh trong phòng, trị bệnh cho tôm, cá. Gia đình ông Hồ Đình Thắng (xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm. Tôm là loài khó nuôi, thường bị dịch bệnh. Để khắc phục tình trạng dịch bệnh ở tôm, nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Thắng đã tham gia các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông huyện. Từ năm 2010, ông chuyển sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình ATSH, hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất trên diện tích gần 1,3 ha. 

Nông dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) kiểm tra tôm trước khi thả nuôi.

Nông dân xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) kiểm tra tôm trước khi thả nuôi.

Với quy trình nuôi áp dụng 100% các chế phẩm sinh học trong cải tạo, xử lý ao nuôi và cả quá trình nuôi. Tôm giống được lấy từ các cơ sở uy tín, được kiểm dịch và thả theo lịch thời vụ của huyện, tỉnh. Ngoài ra, ông còn dùng một số chế phẩm trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Trong quá trình chăm sóc, quản lý, định kỳ ông còn dùng các chế phẩm làm sạch môi trường và phòng bệnh cho tôm; luôn chủ động nguồn nước cấp, thay trong quá trình nuôi. Nhờ đó, mô hình nuôi tôm thẻ ATSH của gia đình ông mang lại hiệu quả cao. 

Ông Thắng cho biết: Nuôi tôm theo quy trình ATSH vừa hạn chế dịch bệnh, an toàn môi trường vừa tạo ra sản phẩm sạch. Với quy trình nuôi này, tỷ lệ sống của tôm trên 90%, sản lượng đạt gần 15 tấn/ha (cao hơn khoảng 10% so với quy trình nuôi truyền thống). Tôm được nuôi ATSH nên ít tốn chi phí về các loại thuốc xử lý bệnh, hạn chế được bệnh tật nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2016, trên diện tích 1,3 ha, ông đã thu lãi trên 1,1 tỷ đồng. 

Hiện trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 2.200 ha NTTS, trong đó có 530 ha nuôi ATSH; tập trung ở các xã Quỳnh Lương, An Hòa, Quỳnh Bảng. Còn huyện Diễn Châu, năm 2016, diện tích nuôi thủy sản ATSH đạt 23 ha, trong tổng số 2.316 ha. Nhiều hộ tham gia mô hình nuôi tôm thẻ, cá vược, các hồng mỹ và cá rô phi theo hướng ATSH. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học, với diện tích 240 ha và hai vùng nuôi đa dạng hóa (67ha). Trong đó, điển hình có một số vùng nuôi thực hiện tốt việc quản lý chất cấm và kháng sinh như: Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai), Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), Diễn Trung, Diễn Vạn (Diễn Châu).

Để có được kết quả đó, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như: Kiểm tra điều kiện kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y tại các cơ sở trên địa bàn các huyện. Xử phạt các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư NTTS không đảm bảo chất lượng và tịch thu, tiêu hủy những lô hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Trong 3 năm qua, đã tổ chức được 93 lớp tập huấn về Luật Thủy sản, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật ATTP; kinh doanh, sử dụng vật tư trong NTTS, NTTS (VietGAP)… 

Nhờ đó ý thức của các hộ dân trong sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất được nâng cao, có 635 hộ đã thực hiện ký cam kết không sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Hiện số hộ dân triển khai mô hình nuôi tôm hữu cơ tuần hoàn khép kín và mô hình có sử dụng cá rô phi, hạn chế bệnh đốm trắng, gan, tụy cấp… đang được nhân rộng. 

Cần quy hoạch vùng nuôi an toàn 

Được mùa tôm ở Quỳnh Lưu. Ảnh Q.L

Được mùa tôm ở Quỳnh Lưu. Ảnh Q.L

Hiện nay, diện tích NTTS an toàn vẫn còn ít, so với tiềm năng NTTS thực tế của các địa phương. 

Ông Nguyễn Anh Hùng - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳnh Lưu cho rằng: Mặc dù NTTS theo quy trình ATSH hạn chế dịch bệnh, ít rủi ro trong sản xuất, đồng thời năng suất ổn định hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: Giá cả tôm chưa ổn định, không khác biệt so với tôm nuôi bình thường khác, do chưa được chứng minh nguồn gốc.

Mặt khác, trên thị trường có nhiều công ty cung cấp các sản phẩm, chế phẩm sinh học làm thức ăn, thuốc xử lý, phòng bệnh… nên gây khó khăn cho người dân trong việc lựa chọn. Huyện Quỳnh Lưu quy hoạch diện tích nuôi thủy sản ATSH hàng năm tăng 30% so với năm trước; phấn đấu 2020, 100% nuôi tôm ATSH. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản an toàn, cần quy hoạch lại vùng nuôi, hộ nuôi cần được cấp chứng chỉ nuôi ATSH, đảm bảo giá cả ổn định và cạnh tranh…

Trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả NTTS theo hướng ATSH trong thời gian tới, ông Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người nuôi, đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc, hóa chất trong NTTS sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư NTTS trên địa bàn tự nguyện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các chất cấm và thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, phòng bệnh và nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh, hạn chế hóa chất xuống tận các vùng nuôi. Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở nuôi trồng, kinh doanh vật tư trên địa bàn. Tiếp  tục triển khai xây dựng các mô hình nuôi tôm mặn, lợ, cá rô phi áp dụng theo quy trình VietGAP. 

Bình luận của bạn