Nhiều giải pháp phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam
Ngày 14/5 tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị quốc tế ngành Công nghiệp thực phẩm Việt Nam lần thứ hai (Food Vietnam 2015). Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng các địa biểu chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa các DN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam là nước có thổ nhưỡng phù hợp với phát triển nông nghiệp, trong nhiều năm nay các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã có vị trí cao trên thế giới. Những sản phẩm tiêu biểu phải kể tới như cà phê, tiêu, điều, gạo…
Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực chế biến, khâu sản xuất còn thô sơ nên doanh thu xuất khẩu vẫn chưa cao. Do đó, Bộ Công Thương tổ chức Food Vietnam 2015 nhằm có cái nhìn toàn cảnh hơn về ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, qua đó đưa ra những giải pháp thiết thực để đưa ngành phát triển.
Tại hội nghị, các diễn giả đến từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), các Hiệp hội ngành hàng trong nước, các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm đã trình bày những tham luận xung quanh vấn đề xu hướng thị trường nông sản thực phẩm toàn cầu và vị thế của Việt Nam, các chính sách thúc đẩy việc tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thực trạng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, công thức tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nhờ bao bì và thương hiệu, các cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài, hệ thống phân phối, các vấn đề về ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và chế biến...
Bà Võ Ngân Giang – đại diện Tổ chức Nông lương thực Liên hợp quốc (FAO) thông tin, nhu cầu sử dụng lương thực thực phẩm của thế giới đang tăng lên qua từng năm. Dự kiến đến năm 2050, thế giới sẽ cần một lượng lương thực khổng lồ mỗi năm gồm: 1 tỷ tấn ngũ cốc, 1 tỷ tấn thịt bò, 460 triệu tấn thịt và 1.048 triệu tấn các loại ngũ cốc khác. Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, hiện nay năng lực cạnh tranh của các DN thực phẩm Việt Nam còn yếu nên thách thức cho ngành vô cùng lớn. Các thách thức này phải kể đến như: hoạt động phân tán, năng lực tài chính yếu, điều kiện vệ sinh kém, chất lượng đầu vào thấp, nguồn gốc xuất xứ chưa rõ ràng… Cả nước có khoảng 3.500 DN kinh doanh trên các lĩnh vực nông lâm thủy sản nhưng chủ yếu lại làm dịch vụ. Đáng nói hơn là các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ cho ngành vẫn chưa hoàn thiện, không khuyến khích được DN.
Để đưa ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam phát triển, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay các giải pháp nâng cao giá trị cho ngành này đã được đưa ra gồm: tổ chức theo hướng liên kết sản xuất nguyên liệu – chế biến – tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao (gồm lúa gạo, cà phê, chè, thủy sản…); nâng cao hiệu quả sử dụng phế phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ… Ngoài ra, với việc đẩy mạnh xuất khẩu, đã có chính sách tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý (gạo nàng thơm Chợ Đào, nước mắm Phú Quốc…) . Phấn đấu đến năm 2020 có 40-50% đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu có uy tín tại thị trường EU, Mỹ. Riêng đối với vấn đề nguồn tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu mở rộng ưu đãi thuế cho các DN đầu tư chế biến sâu nông lâm thủy sản.
Nguồn: Báo Công Thương