Nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) và nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, thời gian qua, Nhà nước và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa và cung cách phục vụ người dân.

Tạo sự lan tỏa

Theo khảo sát mới đây, có 75% người dân trong tỉnh ưu tiên mua sắm hàng Việt. Tỷ lệ hàng Việt Nam trong số hàng hóa được bày bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đạt bình quân 77%; tại các siêu thị, cửa hàng khoảng 88%. Để hàng Việt đến nhiều hơn với người tiêu dùng khu vực nông thôn, hàng năm, Sở Công thương đều tổ chức các “Phiên chợ vui - Hàng Việt về nông thôn”. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn đều bán hàng giá ưu đãi cùng nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm. Bên cạnh đó, các phiên chợ hàng Việt là cơ hội để doanh nghiệp Việt quảng bá thương hiệu hàng hóa của mình đến người tiêu dùng trong nước, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương I (TP. Thủ Dầu Một) cho biết, năm 2009 khi CVĐ được triển khai, đơn vị đã nhanh chóng vào cuộc với nhiều chương trình cụ thể, hấp dẫn và hiệu quả. Cụ thể, chương trình khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” được siêu thị tổ chức định kỳ tháng 9 hàng năm, trong đó phần lớn kinh phí tập trung thực hiện giảm giá sản phẩm (đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu) nhằm hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng, qua đó đã giúp nâng cao uy tín và gia tăng sức mua các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam của khách hàng. Bên cạnh đó, từng cán bộ, nhân viên của siêu thị là “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng hàng Việt. Riêng trong quý I năm 2016, siêu thị đã phối hợp tổ chức 10 chuyến hàng Việt về nông thôn trên địa bàn các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng… với tổng trị giá hàng hóa bán ra gần 1 tỷ đồng.

Tận dụng tốt thế mạnh tại chỗ

Theo đánh giá, hiện nay, chất lượng hàng Việt đang dần được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng chưa đủ sức cạnh tranh, nhất là các sản phẩm truyền thống thủ công. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần luôn chú trọng bảo vệ thương hiệu của mình, cũng như phải đăng ký cho được bảo vệ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến mẫu mã, quảng bá thương hiệu vì hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều hàng giả mang nhãn hiệu Việt Nam. Các cơ sở, nhà phân phối, kinh doanh tuyệt đối không tiếp tay cho những hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) mây tre lá Ba Nhất cho biết, những sản phẩm của HTX đều được nghiên cứu, kiểm nghiệm kỹ về chất lượng, kiểu dáng, tiện ích, an toàn và phù hợp với thị hiếu của khách hàng nhiều nước trên thế giới. Từ mây, tre, lục bình, bẹ chuối, giấy vụn… đã trở thành những sản phẩm tiêu dùng, vượt qua những tiêu chuẩn ngặt nghèo, đàng hoàng bước vào mạng lưới siêu thị các nước ở châu Âu, châu Mỹ… Đó là cách HTX Ba Nhất tạo nên sản phẩm và tìm kiếm thị trường, giúp hàng Việt khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, để người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam, doanh nghiệp cần nghiên cứu phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng; cùng với đó thay đổi công nghệ hiện đại trong xu hướng mới, từng bước tạo dựng được hệ thống bạn hàng rộng khắp… Quan trọng hơn chính là sự liên kết cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và bảo vệ thị trường, thương hiệu Việt với việc chia sẻ “4 cộng 1” gồm nhà cung ứng, nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà nước.

Theo các chuyên gia, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, điều quan trọng là cần tập trung phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân để tạo điều kiện đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển bền vững nền sản xuất hàng hóa trong nước với năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh quốc tế ngày một nâng cao.

Bình luận của bạn