Nông nghiệp thu hút doanh nghiệp ngoại

Trong điều kiện ngành nông nghiệp Việt Nam còn thiếu công nghệ trong sản xuất chế biến, thì việc DN ngoại đến từ các quốc gia có nền công nghệ nông nghiệp tiên tiến đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà nông và DN trong nước. Vấn đề là tiếp cận và liên kết như thế nào để đạt hiệu quả lâu dài.
Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã đón trên 10 đoàn DN nước ngoài đến quảng bá và tìm kiếm cơ hội đầu tư máy móc công nghiệp hiện đại vào ngành nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Đây là các DN chuyên ngành máy móc công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc các nước có nền công nghiệp phát triển khu vực châu Âu (EU) như Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ và một số quốc gia có sự đầu tư lớn vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng cho phát triển nông nghiệp như Israel.

Theo Phòng Kinh tế và Thương mại Israel (thuộc Đại sứ quán Israel tại Việt Nam), Việt Nam không thiếu những kỹ sư đã học tập và nghiên cứu về khoa học nông nghiệp tại Israel, khi trở về nước họ đã rất thành công với những trang trại nông nghiệp hữu cơ ngày trên quê hương mình.

Như trường hợp của anh kỹ sư Giàng A Dạy (ngụ tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), sau khi học và thực tập về giống cây trồng và phương pháp trồng rau sạch trên đất thiếu nước khô cằn tại Israel, kỹ sư Giàng A Dạy về nước lập trang trại nông nghiệp nhỏ tại quê hương để sản xuất rau sạch và anh đã thành công khi áp dụng công nghệ của Israel trên đồng rau hữu cơ của mình.

Đây chỉ là một trong hàng trăm nghìn điển hình người nông dân ứng dụng khoa học hiện đại vào sản xuất nông sản sạch tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng là yếu tố thu hút DN Israel đưa công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp (phương pháp tưới tiêu trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản) tại Việt Nam. DN Israel có thế mạnh trong các lĩnh vực về nước tưới trong nông nghiệp, hệ thống tự động hóa, nuôi cấy mô, năng lượng mặt trời tái tạo và chế biến thực phẩm.

Sau khi đã thành công biến đất sa mạc của họ thành trang trại nuôi cá, trồng rau, cây ăn trái. Họ muốn mở rộng thị trường sang các quốc gia có nền nông nghiệp lớn như Việt Nam.

Và nhiều DN đã rất thành công như Công ty Agrotop chuyển giao hệ thống nhà tiền chế cách nhiệt, hệ thống lồng nuôi, thiết bị điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, lưu lượng gió cho trang trại chăn nuôi gà của DN Việt. Hay Tập đoàn VinGroup đang áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt Netafim của Israel tại Công ty VinEco chuyên sản xuất rau sạch…

Không chỉ DN Israel, những đoàn DN công nghệ nông nghiệp châu Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ cũng đang hướng đến thị trường Việt Nam. Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Thụy Sỹ, dù không có mặt nhiều tại Việt Nam, nhưng thời gian qua, các DN Thụy Sỹ đã được biết đến là những nhà cung cấp dây chuyền công nghệ chế biến như Công ty Buhler chuyên sản xuất các máy móc cơ khí, chế biến ngũ cốc, gạo cà phê… hay Công ty Bucher sản xuất, chế tạo thiết bị chế biến các loại nông sản, chiết xuất dược liệu để làm rượu, ép trái cây; Công ty Tetra Pak sản xuất dây chuyền chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất bao bì, máy nghiền phụ phẩm nông nghiệp, đóng gói chế biến, dịch vụ; Công ty Swisslog cung cấp dây chuyền kho lạnh…

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều DN Thụy Sỹ muốn hợp tác với Việt Nam bằng hình thức chuyển giao công nghệ, những công trình nghiên cứu có thể áp dụng phù hợp vào điều kiện nông nghiệp Việt Nam. Điều này đáp ứng sát nhu cầu thực tế của DN, lại không buộc DN phải tốn nhiều chi phí nhập toàn bộ thiết bị, mà trong đó có những bộ phận không cần thiết.

Lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cũng là mục tiêu của nhiều DN công nghệ nông nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đến từ Tây Ban Nha, như công ty DeRaza của vùng Toledo với hệ thống cắt xẻ, chế biến và điều phối sản phẩm hiện đại nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm Tây Ban Nha; Công ty Faccsa là một thương hiệu về hệ thống nhà máy giết mổ, xẻ thịt gia súc và hệ thống kho trữ đông hiện đại bậc nhất Tây Ban Nha…

Những DN này đã liên tục đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác kinh doanh, chuyển giao công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại, giới thiệu sản phẩm vào thị trường Việt.

Trong điều kiện ngành nông nghiệp Việt Nam còn thiếu công nghệ trong sản xuất chế biến, thì việc DN ngoại đến từ các quốc gia có nền công nghệ nông nghiệp tiên tiến đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà nông và DN trong nước. Vấn đề là tiếp cận và liên kết như thế nào để đạt hiệu quả lâu dài.

Bình luận của bạn