Online Friday 2019: Tham vọng đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử quốc tế

Online Friday 2019 không chỉ lần đầu tiên tổ chức BigOff cả 3 miền mà còn đánh dấu sự khai trương của Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử.

Một trong những điểm đặc biệt của Online Friday 2019 là người tiêu dùng không chỉ săn hàng chính hãng giảm giá sâu trên mạng, mà còn có thể trải nghiệm các hoạt động cùng chương trình tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Từ 0h ngày 6/12, Online Friday chính thức mở cửa. Các giao dịch ngay lập tức tăng vọt cho thấy có một lượng người tiêu dùng đã chờ chực sẵn để tham gia săn hàng giá ưu đãi. Rút kinh nghiệm từ năm 2018 khi lượng giao dịch tăng vọt, vệc vận chuyển, thời gian giao nhận hàng quá lâu, đôi khi giao dịch chồng chéo thì năm nay khi những đơn hàng bắt đầu xuất hiện, tất cả các bộ phận đã vào guồng hoạt động: Nhận đơn, phân loại, xếp chuyến.

Để thị trường thương mại điện tử hoạt động cần có sự tham gia của nhà cung cấp, các nhà phân phối (trong đó có các sàn thương mại điện tử), các đơn vị thanh toán trực tuyến và giao nhận vận chuyển. Vì Online Friday là chương trình chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ nên đây thực sự là thách thức với các đơn vị giao nhận và thanh toán trực tuyến khi áp lực về số lượng đơn hàng rất cao. Tuy nhiên, đây cũng chính là thước đo cho các doanh nghiệp, xem họ sẽ đáp ứng như thế nào.

Thực tế 6 năm triển khai cho thấy, với đặc thù chỉ diễn ra trong 24h và thu hút một lượng giao dịch tăng vọt tại một trong khoảng thời gian ngắn, Online Friday là một dịp để các doanh nghiệp hậu cần phô diễn công nghệ, khẳng định khả năng đáp ứng dịch vụ của mình trên thị trường thương mại điện tử.

Ngoài vấn đề hạ tầng công nghệ, giao vận, thanh toán hay vấn đề hàng giả trên sàn thương mại điện tử thì việc làm sao hỗ trợ những sản phẩm Made in Việt Nam chất lượng, uy tín, đưa đến khách hàng trong dịp khuyến mại Online Friday là băn khoăn của Ban tổ chức suốt nhiều kỳ Online Friday. Băn khoăn đó đã được giải quyết khi năm nay, lần đầu tiên, có một gian hàng đặc biệt đó là Gian hàng Quốc gia Việt Nam.

Gian hàng Quốc gia Việt Nam không chỉ tạo thêm một kênh phân phối chính thống cho hàng hóa nội địa, mà còn là nơi những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất của Việt Nam được giới thiệu và xúc tiến cho việc xuất khẩu. Ví như hàng công nghệ Việt, đặc sản vùng miền, nông sản Việt được dành phần ưu tiên khi xuất hiện đẹp nhất trên trang chủ của sàn Voso.

Ông Trần Trung Hưng - Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết: "Người nông dân chưa tiếp cận với kinh doanh thương mại điện tử, chưa được thừa hưởng thành tựu về thương mại điện tử của Việt Nam trong thời gian qua. Bộ Công Thương và Viettel Post mong muốn đưa các hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng thực phẩm vào thương mại điện tử".

Online Friday rất gần dịp Tết, nên là dịp thuận lợi để nhiều doanh nghiệp sản xuất giới thiệu và bày bán hàng chất lượng trên sàn. Hữu xạ tự nhiên hương, cơ hội xuất khẩu cũng dễ dàng được kết nối qua sàn.

"Thông qua gian hàng Việt, phía doanh nghiệp cũng kỳ vọng kết nối được một số đối tác để xuất khẩu" - Bà Hoàng Thị Nga, Quản lý kênh siêu thị miền Bắc - Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ.

Về phía Bộ Công Thương, tham vọng không chỉ là giới thiệu hàng Việt trong dịp Online Friday, mà phải quyết tâm làm sao, đưa hàng Việt lên sàn thương mại quốc tế.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: "Chúng tôi đã có có những thảo luận với JD.com của Trung Quốc để gian hàng Việt Nam có trên sàn thương mại điện tử này. Chúng tôi cũng đã có những thảo luận với phía Hàn Quốc và Nhật để gian hàng Việt có thể hiện diện trên các sàn thương mại điện tử lớn tại các nước này".

Với tham vọng và mục tiêu rõ ràng, Gian hàng Quốc gia Việt tại các sàn quốc tế sẽ có bộ tiêu chí cho các sản phẩm tùy thuộc thị trường. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng dự kiến thành lập 1 trung tâm nghiên cứu để đảm bảo các mục tiêu về chất lượng, logistics, thủ tục hải quan để đảm bảo chất lượng hàng Việt ra thế giới.

Bình luận của bạn