Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội

Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội đã có từ lâu đời với những làng nghề truyền thống, như: đào, quất Nhật Tân (Tây Hồ), hoa Tây Tựu (bắc Từ Liêm), cây cảnh Hồng Vân (Thường Tín)… Nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho nhiều vùng trồng hoa, vườn cây cảnh bị thu hẹp, trong khi nhu cầu thưởng thức tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để khôi phục nghề trồng hoa.


Thu hoạch hoa cúc tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Minh Hà

Mở rộng các “làng hoa”

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí, với lợi thế về thị trường tiêu thụ gần 10 triệu dân và nhu cầu thưởng thức hoa, cây cảnh ngày càng tăng. Để khôi phục các làng hoa, những năm qua thông qua các chương trình, đề án, TP Hà Nội đã tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất hoa, vườn cây cảnh tập trung. Đồng thời, ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao.

Hiện diện tích gieo trồng hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt hơn 5.300 ha, tăng hơn 3.300 ha so với năm 2010. Trong đó, diện tích trồng hoa hồng là 2.042 ha, chiếm khoảng 38,3%; hoa cúc 928,8 ha, chiếm 17,4%; quất hơn 176 ha, chiếm khoảng 3,3%; hoa ly và lan 268,4 ha, chiếm khoảng 5%; các chủng loại hoa khác như thược dược, lay ơn, cẩm chướng, cây phụ trợ… có 67,3 ha, chiếm 3,3% diện tích. Vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chủ yếu ở một số quận, huyện như: Từ Liêm 678,5 ha, Mê Linh 544,5 ha; Tây Hồ 150 ha; Đan Phượng 262,4 ha, Thường Tín 130,8 ha và Phúc Thọ 58,4 ha…

Nhờ tăng diện tích và sản lượng, hằng năm các làng hoa cung cấp cho thành phố hơn một tỷ cành hoa các loại, gần hai triệu chậu hoa và hơn một triệu cây cảnh. Doanh thu bình quân tại các vùng hoa, cây cảnh sản xuất tập trung đạt từ 250 triệu đến 3 tỷ đồng/ha/năm, tùy thuộc đối tượng hoa, cây cảnh và mức độ đầu tư.

Liên kết sản xuất tiêu thụ

Những năm gần đây nhu cầu thưởng thức hoa, cây cảnh của người dân Thủ đô ngày càng tăng. Do đó hơn 85% lượng hoa, cây cảnh của Hà Nội sản xuất được tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô, còn lại khoảng 15% tại các địa phương khác và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hoa chủ yếu vẫn qua các thương lái thu mua tại ruộng, sau đó bán lại tại các chợ bán buôn và các cửa hàng hoa tươi trên các tuyến phố và chợ dân sinh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ hoa với các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó chưa hình thành được chợ đầu mối hoa theo đúng nghĩa. Các chợ hoa Quảng Bá, Mê Linh, Tây Tựu… đều là những chợ bán buôn hoa nhưng quy mô nhỏ, thiếu kho bảo quản hàng, bến bãi để tập kết và vận chuyển. Riêng đối với các loại cây cảnh nghệ thuật, do có giá trị cao cho nên việc mua bán được trao đổi, giao lưu trực tiếp tại các nhà vườn hoặc các thương lái mua cây và mang tiêu thụ tại các chợ hoa, cây cảnh.

Ngoài tiêu thụ trong nước, mới có khoảng từ 3% đến 5% các loại hoa như: hồng, cúc, lay ơn của Hà Nội được xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, Cam-pu-chia. Vào dịp Tết Nguyên đán, đào, quất cảnh của Hà Nội được cung cấp cho cả nước và bước đầu đã có mặt ở một số nước có người Việt Nam sinh sống như: Nga, Đức, Mỹ… Sở dĩ việc xuất ngoại của các loại hoa, cây cảnh ở Thủ đô khó khăn, một phần do chưa tạo được sự liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp phân phối. Hiện số doanh nghiệp tham gia vào mắt xích “đầu ra” trong chuỗi giá trị sản phẩm còn quá ít về số lượng và rất yếu về năng lực, trình độ kinh doanh hoa chuyên nghiệp. Nhiều loại hoa, cây cảnh chưa xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu riêng, cho nên sức cạnh tranh thấp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Chí, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, nhất là đối với sản phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, Nhà nước cần hình thành cơ sở định giá cây cảnh và coi sản phẩm cây cảnh là tài sản kinh doanh được thế chấp vay vốn. Đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai và vốn vay cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh. Chú trọng phát triển các vùng sản xuất hoa, vườn cây cảnh gắn với du lịch sinh thái để thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, thưởng ngoạn. Cũng như tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng cho sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, hội thi với nhiều cấp độ từ thành phố đến huyện và xã để giới thiệu các loại hoa, cây cảnh “đặc sản” của mỗi địa phương ở thị trường trong nước và vươn xa ra quốc tế nhằm mở rộng tiêu thụ.

Bình luận của bạn