“Quốc tế hóa Nhân dân tệ là bình thường”
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa chính thức thêm đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ chủ chốt toàn cầu liệu có tác động nào đến kinh tế Việt Nam?
Đây là một câu hỏi được báo giới đặt ra với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ở buổi họp báo sáng 2/12.
Câu trả lời từ người đứng đầu WB Việt Nam nêu đại ý, việc quốc tế hóa Nhân dân tệ là bình thường, vì Trung Quốc là một thị trường lớn, có giao dịch thương mại, đầu tư lớn.
Quốc tế hóa Nhân dân tệ cũng là cách để thuận lợi hóa thêm các thanh toán quốc tế, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước mắt, chưa có đủ cơ sở để đánh giá điều này tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam, bà Victoria Kwakwa nói, nên hãy chờ đợi diễn biến thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu để có câu trả lời.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, bà Victoria Kwakwa cùng các chuyên gia của WB còn nhận được một số câu hỏi khác tại cuộc họp báo.
Xung quanh vấn đề Việt Nam chuẩn bị “tốt nghiệp” vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp từ WB, chuyên gia kinh tế trưởng Sandeep Mahajan đánh giá đây là tín hiệu cho thấy mức độ tiến bộ của Việt Nam.
Ông Sandeep Mahajan cho biết thêm, hiện các điều khoản về sự “tốt nghiệp” này vẫn chưa được chốt nhưng dự báo sẽ không có tác động gì lớn vì có thể lãi suất cho vay theo IBRD có thể tăng nhưng vẫn có phần ưu đãi nên vẫn thấp hơn nhiều vay trực tiếp từ thị trường.
Trả lời câu hỏi về khả năng hội nhập của các doanh nghiệp Việt hiện nay, chuyên gia kinh tế trưởng Sandeep Mahajan nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc Việt Nam sẽ thu được bao nhiêu lợi ích từ hội nhập.
Ông Sandeep Mahajan cho rằng hiện nay đã có sự lưỡng phân khi khối các doanh nghiệp FDP phát triển rất mạnh, còn khối tư nhân trong nước khá yếu kém.
Theo ông Sandeep Mahajan thì tình hình này cần được thay đổi, cần môi trường chung cho khu vưc doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Hiện nay khu vực tư nhân chịu nhiều bó buộc và thiệt thòi khi tín dụng, đất đai vẫn còn ưu đãi cho doanh nghiệp và FDI, ông Sandeep Mahajan nhìn nhận.
Vị kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh cải cách để tạo sân chơi bình đẳng, đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tạo dư địa cho khu vực tư nhân có thể trở thành các đối tác mạnh trong chuỗi giá trị toàn cầu.