Sắp công bố thương hiệu Tôm Sông Đà Hòa Bình, Cá Sông Đà Hòa Bình

Chủ sở hữu 2 nhãn hiệunày là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hòa Bình.

Trước đó, chiều 6/12, UBND Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo thông tin về công tác chuẩn bị 2 sự kiện trên và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018 (được tổ chức vào chiều 11/12). Chủ trì họp báo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết theo kế hoạch, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình sẽ có sự hiện diện của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc và gần 500 khách mời trong và ngoài nước.

Người dân làng chài thuộc tổ 4, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đánh bắt được cá trắm đen trên sông Đà, vùng hạ lưu thủy điện Hòa Bình.

Trả lời câu hỏi của báo chí chia sẻ thông tin thêm về 2 nhãn hiệu Tôm sông Đà Hòa Bình và Cá sông Đà Hòa Bình, tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vương  Đắc Hùng cho biết nhắc đến Hòa Bình không thể không kể đến nhà máy thủy điện Hòa Bình- nơi có nhiều sản phẩm đặc hữu của tỉnh. Hiện, theo thống kê, khu vực này có khoảng 4.300 lồng cá, sản lượng dự kiến năm nay khoảng 8.300 tấn/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động. “Bản thân các sản phẩm này đã được người tiêu dùng đón nhận tốt, và muốn phát triển bền vững thì phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt an toàn thực phẩm, gắn với tiêu chuẩn Vietgap, tạo cơ hội chặt chẽ trong kết nối giao thương giữa các bên như người nông dân, nhà hàng…, từ đó nhằm tăng thu nhập cho người dân Hòa Bình, đặc biệt là những người trực tiếp sản xuất, phát triển nguồn lợi thủy sản Hòa Bình”- ông Hùng nói.

Khai thác tôm, cá và nuôi cá lồng là một thế mạnh của các huyện/thành phố thuộc lưu vực sông Đà của tỉnh Hòa Bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các xã ven hồ thủy điện Hòa Bình, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Các sản phẩm này được người tiêu dùng tại Hà Nội và nhiều tỉnh/thành trong nước tin dùng. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn gặp nhiều hạn chế do phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước, người tiêu dùng không có dấu hiệu nhận biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Vì vậy, việc chứng nhận “Sông Đà – Hòa Bình” cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình” là cần thiết.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhãn hiệu không chỉ là vỏ bọc bên ngoài của tên gọi, hình ảnh, bao bì, nhãn mác mà quan trọng là duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, sử dụng và quản lý nhãn hiệu trước vấn nạn hàng giả/hàng nhái. Do đó, sau khi xây dựng nhãn hiệu xong cần quản lý và phát triển nhãn hiệu sao cho tốt, tránh suy giảm về chất lượng sản phẩm, hay nạn hàng giả, hàng nhái.

Một chuyên gia đến từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết việc gắn nhãn hiệu này nhằm tạo công cụ tiếp cận và phát triển thị trường cho các sản phẩm, bảo vệ người sản xuất nhưng điều quan trọng hơn cả là phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng nội bộ tại chính các cơ sở sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi cung, nghiên cứu…Để quản lý và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu thì cần xây dựng và vận hành mô hình kiểm soát nhãn hiệu, minh bạch hóa sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc có kiểm soát và cập nhật, tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm,  các cơ sở sản xuất cần tích cực và chủ động trong việc tham gia thị trường.
Nhãn hiệu “Cá Sông Đà – Hòa Bình” được sử dụng để chứng nhận cho 2 nhóm sản phẩm cá khai thác tự nhiên và nuôi, được chứng nhận đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng cảm quan, lý hóa và quy định khai thác hoặc nuôi.Nhãn hiệu “Tôm sông Đà – Hòa Bình” chứng nhận cho sản phẩm tôm khai thác tự nhiên tại lưu vực sông Đà của tỉnh Hòa Bình, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng cảm quan và lý hóa, quy định khai thác. Sản phẩm “Tôm sông Đà – Hòa Bình” có đặc điểm cơ bản như sau: Màu nâu đất, mùi đặc trưng của tôm tươi, nguyên con, không lẫn tạp chất, không có tồn dư kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh. 
 
Bình luận của bạn