Siêu thị “bắt tay” cùng trang trại
Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lottemart đạt trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, trong đó nông sản là mặt hàng chủ lực với số lượng chiếm đến 70%.
Chỉ tính riêng ở hệ thống 77 siêu thị Co.opmart trên toàn quốc, ngành hàng thực phẩm, nông sản đang kinh doanh trên 10.000 mặt hàng, trong đó rau củ quả tiêu thụ trên 500 tấn/ngày.
Nông sản sạch, lạ ngày càng hút khách
Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc PR của hệ thống siêu thị Big C cho biết, hiện nhóm mặt hàng đang được người tiêu dùng ưa chuộng nhất trong Big C là hàng thực phẩm chế biến và tươi sống. Mùa nào thức nấy, siêu thị luôn luôn có đầy đủ các mặt hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.
Không những thế, thực phẩm tươi sống ở các siêu thị còn có thế mạnh riêng mà các chợ không có - thực phẩm được sơ chế sạch, tẩm ướp sẵn từng món, bảo quản kỹ, người nội trợ chỉ việc mua về nấu là có món ăn ngay.
Nhóm mặt hàng sơ chế thường tập trung vào bữa cơm gia đình như các món khổ qua, cà chua, bí xanh dồn thịt, cá kho tiêu, cá chiên sả, thịt cút rô ti, mắm chưng, chả cá,... Thậm chí siêu thị còn chủ động tìm các món ăn thông dụng, dân dã đặc sản của các vùng thôn quê để phục vụ rộng rãi mọi đối tượng như: Cá bống mẳn, cá lòng ròng kho tiêu, dưa bồn bồn, lẩu mắm cá kèo, canh chua lươn, canh chua rau nhút tôm, cua đồng xay... Đặc biệt, nhiều nông sản đặc sản của mọi miền cũng được bày bán trong các siêu thị như cá khô của Nha Trang, khô cá bổi, cá tra Biển Hồ, muối tôm Tây Ninh, lạp xưởng tôm Sóc Trăng...
“Để có đa dạng, phong phú hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, nhân viên thu mua của chúng tôi phải “săn lùng” rất dữ nguồn hàng từ trong dân, các chợ, trang trại, hợp tác xã. Với quy mô gồm 31 siêu thị, đại siêu thị trải khắp 20 tỉnh thành trên cả nước nên hang cùng ngõ hẻm nào chúng tôi cũng lùng vào được” – ông Nguyên nói. Bởi thế Big C tự hào là siêu thị có nhiều mặt hàng độc, lạ phục vụ người tiêu dùng như trái phật thủ, dưa hấu vuông, dưa hấu thỏi vàng, bưởi hồ lô… vào dịp lễ tết.
Làm gì để đưa được hàng vào siêu thị?
Với hệ thống 77 siêu thị và gần 250 cửa hàng thực phẩm an toàn Co.op Food, cửa hàng tiện lợi Co.op “chân rết” trên khắp cả nước, trước khi mở một siêu thị nào, Co.opmart đều “tung quân” xuống từng nhà nông dân, trang trại, HTX để đặt hàng và bao tiêu sản phẩm. Co.opMart còn liên kết với các trung tâm khuyến nông, thú ý, chi cục bảo vệ thực vật, các nhà khoa học trong và ngoài nước hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
“Một trong những tiêu chuẩn để nông sản vào được hệ thống siêu thị Co.opmart là phải có VietGAP. Thế nhưng nhiều nơi còn rất xa lạ với tiêu chuẩn này, chúng tôi phải trực tiếp xuống tận nhà vườn động viên nông dân, bỏ tiền ra đầu tư, thuê nhà tư vấn, cùng nông dân làm, xong rồi còn xách xe chở họ đi làm giấy chứng nhận, có mặt đủ trên từng cây số với nông dân” – ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc phụ trách kho hàng tươi sống của Co.opmart, chia sẻ.
“Co.opmart còn có hẳn một chương trình hợp tác, bao tiêu, ứng vốn cho các HTX hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, trên 50% vốn, tùy theo quy mô để sản xuất rau, trái cây an toàn cung cấp cho hệ thống chúng tôi”” – ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết.
Cũng xuống tận nhà vườn đặt hàng rồi bao tiêu sản phẩm, Big C còn có một “chiêu” thiết thực hơn là mời nông dân lên siêu thị mình tham quan để họ có thể thấy được tương lai hàng hóa của họ được trưng bày sang trọng, đẹp đẽ như thế nào, để từ đó kích thích họ sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tương tự như thế. Big C còn có cả một chương trình cam kết hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt.
Hình thành chuỗi siêu thị- trang trại
Tiến thêm một bước, để có nguồn hàng lớn, ổn định quanh năm, các siêu thị bắt đầu bắt tay ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các trang trại, HTX DN và ngành nông nghiệp các tỉnh.
Saigon Co.op (công ty mẹ của Co.opmart) đã phối hợp với Sở NNPTNT TP.HCM, Tiền Giang, Long An và tỉnh Lâm Đồng tiến hành ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản với các HTX trên địa bàn. Theo nội dung ký kết, Sở NNPTNT các tỉnh sẽ định hướng, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất các loại cây trồng và hướng dẫn nông dân, xã viên HTX thực hiện và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phía Saigon Co.op sẽ đảm bảo tiêu thụ các nông sản theo hợp đồng này trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hợp tác đầu tư, ứng vốn sản xuất cho các HTX để nâng cao chất lượng nông sản đảm bảo số lượng, chất lượng theo nhu cầu của Saigon Co.op. Vốn đầu tư cho các HTX tùy theo từng tỉnh, dao động từ 2 đến 15 tỷ đồng/HTX.
Tại TP.HCM, Saigon Co.op đã ký kết với các HTX Ngã Ba Giồng, Phước An, Thỏ Việt, Liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung... Ở Tiền Giang là các HTX xoài cát Hoà Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, HTX An Hữu... Còn tại Lâm Đồng là các HTX nông nghiệp Anh Đào, Nông trại Hồng Phong và Công ty Thảo Nguyên.
"Vào mỗi dịp cao điểm, Saigon Co.op còn hỗ trợ thanh toán nhanh và thanh toán trước tiền mua hàng cho các nhà cung cấp, HTX. Chẳng hạn vào dịp cao điểm tết là từ 20 – 30 tỷ đồng" - ông Nguyễn Thành Nhân cho biết.
Anh Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Anh Đào (Lâm Đồng), cho biết HTX của ông từ năm 2010 đã được Saigon Co.op đầu tư vốn với lãi suất 0% để trồng và cung ứng các loại rau củ quả ôn đới Đà Lạt cho Saigon Co.op. Năm 2010 là 10 tỷ đồng và năm 2011 tăng lên 15 tỷ đồng, cứ thế cho đến nay. Anh Thừa nhận định: “Đây là một chương trình có lợi và hiệu quả kinh tế cao. Với cái giá ký bình ổn cả năm với SaiGon Co.op, HTX có lãi từ 25 - 35% so với giá thành. Lại được ứng trước tiền nên chúng tôi yên tâm mà mạnh dạn đầu tư sản xuất. Đổi lại, siêu thị cũng không phải lo lắng khi có được một nguồn hàng dồi dào, ổn định và chất lượng cao”.
Theo báo Dân Việt