Tập trung thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ


Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội.

Sau sáu lần tổ chức, Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nắm bắt được cơ hội, còn khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường.

So với những hội chợ trước được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (đường Giảng Võ, quận Ba Đình), không gian rộng rãi ở Cung triển lãm Quy hoạch- Kiến trúc -Xây dựng quốc gia đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thoải mái hơn trong bài trí, giới thiệu sản phẩm. Tới hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội lần này, khách tham quan có thể tìm thấy hàng loạt sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng trong một không gian mở mang tính nghệ thuật. Nhiều sản phẩm, thiết kế không chỉ mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp xu hướng thị hiếu người tiêu dùng, mà còn thân thiện với môi trường. Bên cạnh gian hàng của các doanh nghiệp, Ban tổ chức còn trưng bày các khu sản phẩm của nghệ nhân và sản phẩm thiết kế mới; khu trình diễn nghề, khu trưng bày sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số... Hội chợ năm nay, ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước, còn có các gian hàng của các doanh nghiệp đến từ Đức, Hồng Công (Trung Quốc), Ấn Độ, Nê-pan, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Giám đốc Trung tâm Khuyến công Hoàng Xuân Thủy cho biết, năm nay, hội chợ có 630 gian hàng của 245 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đã tăng 15%, số lượng gian hàng tăng 70 gian so với năm 2015. Với định hướng tập trung vào xuất khẩu, TP Hà Nội đã phối hợp hệ thống thương vụ ở nước ngoài để quảng bá hội chợ và mời doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Qua đó, thu hút hơn 600 nhà nhập khẩu nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu các mặt hàng. “Chúng tôi sẵn sàng kết nối các nhà nhập khẩu với các nhà cung cấp của Việt Nam ngay trong thời gian diễn ra hội chợ, bố trí để các nhà nhập khẩu có thể đến thăm, tìm hiểu kỹ tại các nhà máy và làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời, bố trí đội phiên dịch đến từ các trường đại học để hỗ trợ các bên giao dịch, trao đổi” - Ông Hoàng Xuân Thủy nhấn mạnh.

Tíu tít giới thiệu sản phẩm tới khách tham quan, bà Lê Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Đông Nam Á cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần tham dự hội chợ và lần nào cũng tìm kiếm được thêm bạn hàng, đơn hàng mới. Các năm trước, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản trị giá 8.000 USD, sang Pháp trị giá 15.000 USD... và vẫn đang tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường này. Thành phố đã có nhiều hỗ trợ như miễn phí thuê gian hàng, bố trí người phiên dịch... để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo Ban tổ chức, thông qua hội chợ, hơn một nghìn biên bản ghi nhớ hợp tác và hàng trăm hợp đồng đặt hàng đã được ký kết giữa các bên. 

Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều khách tham quan, bên cạnh các doanh nghiệp chú trọng trưng bày sản phẩm, bố trí nhân sự để gặp gỡ, tiếp đón các nhà nhập khẩu, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội này. Các gian hàng bài trí còn sơ sài, đơn điệu, nhân viên chưa nhiệt tình quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Khi gặp gỡ khách hàng nước ngoài thì lúng túng, vì trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Một số đơn vị tham gia với tâm lý bán hàng tại chỗ, chứ chưa đặt mục tiêu tìm kiếm, kết nối các bạn hàng lớn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, mẫu mã một số mặt hàng đơn điệu, chưa bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, để xuất khẩu được hàng thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp trong nước cần cố gắng rất nhiều. Bởi các làng nghề, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như số lượng của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhiều khi doanh nghiệp nhận được đơn hàng lớn mà không dám nhận, vì huy động cả làng cùng làm vẫn không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và thời hạn giao hàng. 

“Với ưu thế có hơn 1.000 làng nghề truyền thống, TP Hà Nội mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân làng nghề và phát triển kinh tế. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề vay vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại... Thành phố đã thuê các chuyên gia nước ngoài, mở lớp tập huấn về thiết kế để hỗ trợ các cơ sở đổi mới mẫu mã cho phù hợp thị hiếu tiêu dùng ở các nước. Đồng thời, cũng mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động, nhanh nhạy tiếp cận thị trường, đổi mới quản lý và sản xuất để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn” - lãnh đạo ngành công thương Hà Nội nhấn mạnh. 

Bình luận của bạn