Tháo gỡ, tìm thị trường cho sản phẩm đặc sản

Ngày 26/4, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ Thừa Thiên Huế tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, triển khai chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản năm 2017. Đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã và gần 100 doanh nghiệp, doanh nhân tham gia buổi gặp mặt.

Toàn cảnh buổi đối thoại

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các sở, ban ngành địa phương, các hội, hiệp hội ngành nghề tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản, đặc sản. Theo đó, năm 2016 đã tổ chức hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế 2016 thu hút 270 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, với trên 600 gian hàng, thu hút trên 100 ngàn lượt khách tham quan, mua sắm, trong đó có 20 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Lào. Ngoài ra, Sở đã phối kết hợp với các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong cũng như ngoài nước.

Thực hiện chương trình tháng bán hàng khuyến mãi, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi với nhiều thành công nhất định. Đặc biệt, đã xây dựng danh mục các sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ trên địa bàn nhằm phục vụ công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế”. Xây dựng và vận hành “Cổng thương mại điện tử sản phẩm Huế”. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư công nghệ thiết bị tiên tiến, thiết kế, cải tiến mẫu mã nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, nhiều sản phẩm, nông sản, đặc sản của địa phương được bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại không chỉ trong tỉnh mà trên phạm vi cả nước, xuất khẩu.

Gần 100 doanh nghiệp, doanh nhân tham gia buổi đối thoại

Năm 2017, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đặc sản phù hợp với tình hình địa phương, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài việc thực hiện công tác hội chợ, triển lãm, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn thì việc rà soát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm nông sản, đặc sản thủ công mỹ nghệ làm cơ sở xác định đối tượng kết nối đảm bảo hiệu quả trong công tác kết nối được chú trọng. Hỗ trợ và triển khai gắn “Con dấu nhận diện sản phẩm, thủ công mỹ nghệ Huế”; giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản và tham gia chương trình của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam…

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế – cho biết: Quan điểm của chúng tôi là doanh nghiệp phát triển thì Sở Công Thương có việc làm và còn liên quan đến nhiều sở khác như Sở Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn…. Do vậy, qua buổi đối thoại này đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân trao đổi thẳng thắn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh để sở cùng các hiệp, hội chung tay tháo gỡ, tạo kênh thông tin, hướng dẫn hiệu quả nhằm đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm, nông sản, đặc sản của Thừa Thiên Huế trên thị trường, ông Thanh nhấn mạnh.

Bình luận của bạn