Thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào

alt

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng và người đồng cấp Lào Khemmani Pholsena ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt-Lào. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Các tác động từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một số vấn đề biên giới và nguồn tài nguyên xuyên quốc gia là những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào đã được đề cập tại hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 4 về khoa học xã hội "Hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào."

Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đồng tổ chức ngày 27/7 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. 

Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt với ASEAN - năm ra đời Cộng đồng ASEAN, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột. Trong bối cảnh đó, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng-Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào cần tăng cường nghiên cứu, thảo luận xác định trọng tâm hợp tác xuyên biên giới cùng có lợi và cơ chế phối hợp chính sách thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới hiệu quả trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN bắt đầu có hiệu lực, góp phần giúp ba nước hội nhập khu vực hiệu quả và giải quyết các vấn đề năng lực cạnh tranh, giảm nghèo và bất bình đẳng kinh tế-xã hội trong nước. 

Theo giáo sư-tiến sỹ Chaleune Yiapaoheu, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, để đảm bảo triển khai quan hệ kinh tế xuyên biên giới có chất lượng, nhanh chóng, hiệu quả, ba nước nên có những cơ chế, phương pháp và quy định riêng để hỗ trợ hợp tác kinh tế xuyên biên giới, bao gồm việc nghiên cứu giải quyết những trở ngại trong các vấn đề về cơ chế, phương pháp, quy định, thu phí, dịch vụ tại các cửa khẩu truyền thống và quốc tế giữa hai nước, giữa ba nước, nhằm hoạt động trôi chảy hơn, đạt lợi ích tối đa của mỗi nước và cả ba nước. 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc hình thành AEC mang lại nhiều thuận lợi và cơ hội, nhưng cũng đem đến không ít thách thức cho mỗi nước cũng như hợp tác giữa ba nước. 

Thách thức lớn nhất là từ cam kết về tự do lưu thông hàng hóa của ASEAN có khả năng sẽ đẩy các nước không có nền sản xuất hàng hóa phát triển cao như Việt Nam, Lào, Campuchia đối mặt với nguy cơ trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của các nước thành viên ASEAN có ngành sản xuất hàng hóa phát triển hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, mặc dù có thể coi đây là cơ hội cho người tiêu dùng trong nước được sử dụng hàng hóa chất lượng cao, nhưng cũng là nguy cơ khiến Việt Nam, Campuchia, Lào có thể trở thành "vùng trũng" tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực. 

Mặt khác, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, hoạt động đầu tư giữa ba nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước khác trong ASEAN có lợi thế hơn về vốn và công nghệ, vì khi đó ASEAN sẽ trở thành môi trường cho phép sự di chuyển tự do hơn của vốn và đầu tư. 

Lưu ý trong triển vọng quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào cần chú trọng đến việc giảm thiểu các tác động, xung đột về tài nguyên xuyên biên giới, nhiều nhà nghiên cứu đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, vị trí quan trọng của dòng sông Mekong. 

Tham luận của tiến sỹ Chheng Vannarith và tiến sỹ Som Somuny (Viện Khoa học xã hội và Nhân văn – Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia) nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đảm bảo khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên xuyên biên giới, không để xảy ra các tác động xuyên biên giới đối với những dòng sông và lưu vực sông Mekong, cụ thể như lưu vực sông Mekong được chia sẻ giữa Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam (đập Don Sahong, đập Xayaburi); lưu vực sông Sesan, Srepok được chia sẻ giữa Campuchia và Việt Nam; lưu vực sông Sekong được chia sẻ giữa Campuchia, Việt Nam và Lào; lưu vực sông Nậm Ngừm được chia sẻ giữa Lào và Việt Nam. 

Ở một khía cạnh khác, tiến sỹ Sok Touch, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế-Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ láng giềng tốt, là nền tảng cơ bản để đảm bảo an ninh và phát triển, thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào. 

"Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã tăng cường thúc đẩy quan hệ song phương với các quốc gia láng giềng, đặc biệt xây dựng các mối quan hệ hợp tác và hữu nghị bền chặt thông qua giải quyết nghiêm túc các vấn đề về biên giới và thương lượng hòa bình, tránh sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề" – tiến sỹ Sok Touch khẳng định./. 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bình luận của bạn