Thúc đẩy tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh

Trong hai năm qua, thu nhập người Việt Nam ước tăng 15%. Đây chính là điều kiện cần để tăng sức mua, đặc biệt các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết trong 5 năm qua, nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh như nước mắm, dầu thực vật, cà phê, sữa tươi... đã có mức tăng trưởng đáng ghi nhận.Ngày 18/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước và Báo Công Thương, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam”. 


Đơn cử, với mặt hàng cà phê rang xay và hòa tan, theo thống kê của Nielsen Việt Nam cho thấy, đang có 20 nhà sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam, đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mức tiêu thụ cà phê hòa tan tại Việt Nam tăng 5% trong năm 2014.

Với mặt hàng sữa, do là sản phẩm thiết yếu nên ngành sản xuất này luôn giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Trong những năm tới, ngành sữa vẫn có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng, đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020... Những mặt hàng khác như bánh kẹo, nước mắm, mỳ ăn liền... cũng có tốc độ tiêu thụ đáng kể.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, điều này chứng tỏ năng lực sản xuất của các DN trong nước đã có sự bứt phá đáng kể về đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, phát triển hệ thống phân phối. Hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam dồi dào, phong phú với chất lượng và mẫu mã đã được cải thiện, giá cả tương đối ổn định, đáp ứng hầu hết nhu cầu tiêu dùng trong cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng các DN Việt cần tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, sử dụng nguồn hàng của nhau... tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành. 

Bên cạnh đó, các DN cũng cần tự nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến, năng lực tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu... Đặc biệt, các DN cần chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có dòng sản phẩm cạnh tranh; đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm ở khu vực nông thôn và xây dựng các kênh phân phối phù hợp...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết chủ trương của Bộ trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng các điểm bán hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu vùng xa; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và hàng rào kỹ thuật thương mại; nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho DN...

Bình luận của bạn