Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam tại Dubai


Thực hiện kế hoạch công tác hàng năm nhằm phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm rau quả, trái cây, nông sản, thuỷ sản của Việt Nam tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE)

Thực hiện kế hoạch công tác hàng năm nhằm phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm rau quả, trái cây, nông sản, thuỷ sản của Việt Nam tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã phối hợp và với Hệ thống siêu thị Choithrams tại Dubai và Công ty Vietgate LLC tổ chức Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam từ ngày 17 đến 21/4/2016 tại 2 siêu thị lớn của hệ thống siêu thị Choithrams.
Ngày 17/4/2016, tại siêu thị Choithram Marina, Đại sứ Việt Nam tại UAE Phạm Bình Đàm và Giám đốc hệ thống siêu thị Choitrams ông V.L. Pamnani đã cắt băng khai trương Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Dubai trước sự chứng kiến của đông đảo người mua hàng Dubai, Việt kiều và một số phóng viên các tờ báo quan trọng tại UAE.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của 20 công ty với hơn 60 mặt hàng Việt Nam. Các sản phẩm được bán và trưng bày như gạo, hạt điểu, gia vị, trà thảo dược, cà phê, ca cao, mì ăn liền, rau củ quả sấy, tinh dầu… và hơn 10 loại trái cây Việt Nam (chuối, thơm, đu đủ, chôm chôm, xoài, bưởi, thanh long, hồng xiêm, ổi, nhãn…). Các sản phẩm được quảng bá, bán với giá khuyến mãi từ ngày 17/4 - 21/4.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Đại sứ Phạm Bình Đàm nhấn mạnh “Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam tại Dubai” là sự khởi đầu của những sự kiện thương mại sẽ được tổ chức đều đặn với qui mô lớn hơn trong tương lai, để ngày càng nhiều người dân UAE có cơ hội được thưởng thức những sản phẩm chất lượng tốt nhất (vải, nhãn, thanh long, xoài…) mà Việt Nam có thể cung ứng được với lợi thế về khí hậu và điều kiện thiên nhiên ưu đãi.
Trả lời phỏng vấn của báo Khaleej Times, ông Phạm Trung Nghĩa - Tham tán Thương mại Việt Nam tại UAE cho biết: theo dự báo của Bộ Kinh tế UAE, nhập khẩu thực phẩm của UAE sẽ tăng từ 100 tỷ USD năm 2014 lên 400 tỷ USD trong 10 năm tới. Ngoài ra, UAE là thị trường mẫu, là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hoá cho khu vực thị trường các nước Trung Đông & Bắc Phi, việc giới thiệu và bán hàng hoá trực tiếp tại các siêu thị của Dubai có ý nghĩa lớn đối với hình ảnh và tên tuổi của hàng Việt Nam. Mức độ thâm nhập thị trường của hàng trái cây và nông sản chế biến Việt Nam còn chậm và hạn chế, do vậy doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để khảo sát, nghiên cứu thị trường kỹ càng, tìm hiểu và nắm bắt được những cơ hội, văn hóa kinh doanh để tiếp cận và có hướng đi, cách tiếp cận phù hợp.
Ngay trong hệ thống siêu thị diễn ra sự kiện có hàng trăm loại sản phẩm mà các sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh về chất lượng & mẫu mã. Tuy nhiên, sự hiện diện của sản phâm Việt Nam từ trước đến nay còn yếu và lại mang thương hiệu của các quốc gia khác. Có khoảng 20 mặt hàng xuất xứ Việt Nam như gia vị, đồ ăn liền (bún, miến, bánh phở khô…), các thức ăn truyền thống của Việt Nam do một nhà cung cấp Thái Lan cung ứng với thương hiệu “Vietnam choices” và là sản phẩm của Thái Lan.
Song song với việc trưng bày và bán sản phẩm tại chuỗi siêu thị Choithram, Thương vụ UAE cũng đã tổ chức Hội thảo Kết nối kinh doanh cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam với khoảng 30 doanh nghiệp UAE, Ả rập Xê Út, Syria, Oman, Iran và với Giám đốc phụ trách mua hàng của các siêu thị Al Maya, Geap Group, K&M. Đây là buổi Hội thảo thiết thực giúp các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng, phân phối cũng như những nhà bán lẻ của các nước trong khu vực. Công ty Vietgate cũng tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát các kênh bán sỉ, lẻ cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm để có cái nhìn thực tế về qui mô, mức độ cạnh tranh cũng như yêu cầu kỹ thuật & chất lượng sản phẩm của thị trường.
Hy vọng sự thành công của sự kiện “Tuần lễ hàng nông sản Việt Nam tại Dubai” lần này sẽ đánh dấu một bước đi đầy triển vọng trong việc giới thiệu những đặc sản “Made in Viet Nam” sang thị trường UAE và Trung Đông.
 

Bình luận của bạn