Ưu tiên và tự hào dùng hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đang hướng đến mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất ra sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn để người Việt Nam ưu tiên và tự hào sử dụng hàng Việt Nam. Đó là chủ đề xuyên suốt Hội nghị sơ kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hiệu quả sâu rộng
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Qua 7 năm thực hiện, CVĐ đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt; giúp DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đảm bảo sức cạnh tranh, ngày càng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Không chỉ hiệu quả với người dân khu vực trung tâm, thành phố, CVĐ còn mang lại hiệu quả với người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa – khu vực trước đây còn là “thủ phủ” của hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu giá rẻ. Theo Bộ Công Thương, năm 2015, các địa phương đã tổ chức được gần 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt DN tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng... Cũng trong năm 2015, 31 Điểm bán hàng Việt Nam cố định được xây dựng tại các địa phương, giúp người dân dễ dàng chọn mua các sản phẩm hàng Việt Nam chính hãng.
“Trong hoàn cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh mạnh mẽ, CVĐ đã có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tuyên truyền theo từng nhóm sản phẩm
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế của CVĐ như việc thông tin, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng còn ít; tình trạng hàng nhập lậu giá rẻ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn khá phổ biến, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của CVĐ đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn có tư tưởng ham hàng giá rẻ, còn mang tâm lý sính hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt…
Khắc phục những hạn chế đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năm 2016, cần rà soát lại hiện trạng chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng trong nước trước khi chọn một số mặt hàng, nhóm hàng để tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phân phối tiêu dùng. “Có thể chọn mặt hàng sữa để tạo thành chuỗi chăn nuôi - sản xuất - sữa học đường; phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng dệt may, thuốc, công nghệ thông tin của Việt Nam. Từ 4 sản phẩm đó, những năm tiếp theo có thể mở rộng ra sản phẩm gia cầm, y tế, du lịch...” – ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Bùi Văn Cường:
Ưu tiên hàng Việt trong mua sắm công
Năm 2016 và những năm tiếp theo, cần quan tâm tuyên truyền về CVĐ cho 3 đối tượng chính: Sản xuất, lưu thông phân phối và người tiêu dùng. Cụ thể, tuyên truyền để nhà sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và tính cạnh tranh cao; tuyên truyền cho các kênh phân phối ưu tiên nâng cao tỷ lệ hàng Việt; tuyên truyền cho người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Nếu hàng Việt có giá thành, chất lượng tương đương hàng nhập ngoại, cần đặc biệt quan tâm đến việc ưu tiên hàng Việt cho nhu cầu mua sắm công. Đây là cách nhiều quốc gia đã áp dụng và đã thành công để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng:
Cần khen thưởng người mua hàng
Để CVĐ tiếp tục được triển khai thành công, năm 2016 và thời gian tiếp theo, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ nên giao mỗi thành viên phụ trách một số địa phương để theo sát việc triển khai CVĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa bằng cách làm việc với các DN, đặc biệt là DN sản xuất hàng thiết yếu để tiếp tục thúc đẩy sản xuất mặt hàng có giá cả phải chăng, chất lượng tốt. Ngoài ra, phối hợp tốt hơn với Ban Chỉ đạo 389, nâng cao hơn nữa việc chống hàng nhái, hàng giả. Đặc biệt, quan tâm và đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng chú trọng khen thưởng người mua hàng Việt (ví dụ cung cấp thẻ tích điểm, từ đó người nào mua nhiều hàng Việt sẽ được giảm giá). Đây là động lực mạnh giúp thúc đẩy người dân tích cực sử dụng hàng Việt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa:
Tăng cường bảo vệ thương hiệu Việt
Năm 2016, Bộ Công Thương đã chỉ đạo 63 Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có chương trình để chắp nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối ở thị trường nước ngoài, giúp cho người Việt ở nước ngoài có thêm nhiều cơ hội dùng hàng Việt Nam. Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định mới với nhận diện rõ ràng, nhằm cung cấp cho người dân hàng hóa trong nước có chất lượng và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các chương trình nhận diện hàng Việt, thương hiệu Việt đang phát huy kết quả tốt và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới. Do vậy, hoạt động bảo vệ thương hiệu cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng, hiệp hội.