Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về sản lượng điện từ năng lượng tái tạo

Theo báo cáo mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW): Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nước ta vẫn phải đối diện với thách thức về tăng trưởng xanh khi tiếp tục chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất với các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho công nghiệp.

Báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á được thực hiện bởi Cebr, đối tác chiến lược của ICAEW và là nhà dự báo kinh tế. Báo cáo cung cấp tới hơn 144,000 thành viên (kế toán viên) của ICAEW một bức tranh đương đại về các hoạt động kinh tế trong khu vực được tiến theo Quý với trọng tâm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2014 đánh dấu một bước ngoặt tích cực về biến đổi khí hậu khi lần đầu tiên sản lượng toàn thế giới tăng trong khi duy trì lượng thải dioxide carbon  không đổi. Sự phát triển kinh tế đến một ngưỡng nhất định thường kéo theo sự suy giảm môi trường. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển vượt qua ngưỡng này và đi xa hơn, áp lực của nó lên môi trường sẽ suy giảm. Các số liệu cho thấy trên toàn cầu, ngưỡng đó có thể được đạt tới khi các nền kinh tế tiên tiến chuyển sang giai đoạn tăng trưởng xanh bền vững.

Tại Đông Nam Á, tình hình ít sáng sủa hơn. Hầu hết các nền kinh tế trong khu vực chưa đạt ngưỡng có thể giảm được tác động môi trường của các hoạt động kinh tế. Ngoại trừ Singapore, quốc gia đã duy trì được lượng khí thải giảm dần từ năm 1994, các nước thành viên khác như Indonesia, Malaysia và Philippines đều chỉ có lượng khí thải định kì thấp hơn khi GDP giảm.

Ông Scott Corfe, cố vấn kinh tế của ICAEW và là Phó Giám đốc Cebr, cho biết: “Các hoạt động sản xuất có tác động mạnh mẽ đến lượng khí thải, vì các hoạt động này sản sinh lượng khí thải carbon nhiều hơn ba lần so với các hoạt động dịch vụ, tính trên mỗi 1000$ đầu ra. Trong khi Đông Nam Á đã có những dịch chuyển tích cực sang hướng sản xuất sạch hơn, thì dấu hiệu tích cực này đã bị suy giảm bởi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các mặt hàng nguyên liệu thô của Trung Quốc, khi mà sự mở rộng của nước này đã giữ các nhu cầu luôn ở mức cao.

“Việt Nam nên đa dạng hóa việc xuất khẩu hàng hoá ngoài những mặt hàng nguyên liệu thô, và tính toán đến lĩnh vực sản xuất sạch hơn. Điều này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu than trong trường hợp nền kinh tế khổng lồ châu Á chậm lại và cũng giúp giảm ảnh hưởng môi trường của Việt Nam”, theo ông Corfe.

Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á khẳng định: “Còn rất nhiều việc cần phải làm để hiện thực hóa các chính sách môi trường, bao gồm một môi trường pháp lý mạnh mẽ hơn, ý chí chính trị và nguồn kinh phí. Các quốc gia Đông Nam Á có nguồn nguyên liệu thô phong phú như Indonesia và Việt Nam có thể bị hấp dẫn bởi các lợi ích ngắn hạn trong tăng trưởng GDP để rồi có thể bị trả giá bằng sự đánh đổi chính những nguồn lực tự nhiên của mình".

Một ví dụ có thể kể ra sự giàu có tự nhiên tại nhiều quốc gia vẫn còn tiềm ẩn dưới hình thức tài nguyên thiên nhiên như rừng. “Một cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững hơn là xem xét đến việc tính toán các nguồn lực tự nhiên. Bằng cách tính toán giá trị và hiện trạng của các tài sản tự nhiên việc khai thác hợp lý những tài nguyên này có thể được đo lường và quản lý để đảm bảo tính bền vững dài hạn cho cả các doanh nghiệp lẫn môi trường.” Ông Mark nói tiếp.

Một dấu hiệu đáng khích lệ đối với Việt Nam là tỷ lệ điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo khá cao thay vì nhiên liệu hóa thạch, trong đó năng lượng hydro chiếm gần một nửa tổng lượng điện phát ra. Việt Nam hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, trong khi các nước Đông Nam Á khác vẫn còn tụt hậu về công suất phát điện từ năng lượng tái tạo.

Trong thập kỷ qua, chính sách môi trường tại Đông Nam Á được đẩy lên mức cao hơn trong chương trình nghị sự, nhưng vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Chính sách môi trường ở Singapore tương đối thành công tuy nhiên, nước này cũng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng lượng điện từ năng lượng tái tạo lên 10% vào năm 2020. Trong khi Indonesia và Malaysia có dấu hiệu tích cực về tăng trưởng xanh thì những gì được hoạch định tại Philippines và Thái Lan còn ở mức độ khiêm tốn - theo bản báo cáo.

Các nước Đông Nam Á cần bắt kịp nhịp độ kinh tế toàn cầu khi mà nền kinh tế này đang hướng đến tăng trưởng xanh. Trên toàn khu vực, việc phát triển vượt ngưỡng, giúp giảm thiểu các tác động vào môi trường sẽ khiến ASEAN trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn hơn đối với các cá nhân và doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận của bạn