Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017: Thúc đẩy hội nhập toàn diện

Khoảng 68% kim ngạch xuất khẩu, 83 kim ngạch nhập khẩu và 82% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm “Cùng tăng cường hành động vì một tầm nhìn chung APEC” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 16.12 tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, APEC từ khi thành lập đến nay luôn giữ vai trò hàng đầu trong việc tăng cường hợp tác, hội nhập và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn hợp tác kinh tế này đã đem lại lợi ích thiết thực cho khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Khu vực APEC đã khẳng định tầm quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam.

Các nước APEC chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Nhà máy Panasonic tại Đông Anh, Hà Nội.  Ảnh:  TUẤN LINH

Theo ông Sơn, hiện có 13 trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được Việt Nam ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác APEC.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, APEC 2017 là nội dung ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020. Cùng với những hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), APEC 2017 sẽ là một bằng chứng sinh động cho quá trình tăng cường ngoại giao đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc chuẩn bị cho APEC 2017 đã được Việt Nam thực hiện một cách toàn diện và đầy đủ, nhằm đảm bảo cho một năm APEC thành công trên tất cả các lĩnh vực.

Tại tọa đàm, các diễn giả và đại diện các nền kinh tế thành viên đánh giá APEC sẽ tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình và phát triển ở khu vực; đề cao vai trò và những đóng góp thiết thực của APEC trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối khu vực. Các ý kiến cũng nhất trí APEC cần liên kết sâu rộng hơn, gắn với phát triển bền vững, tái cơ cấu, đổi mới, sáng tạo, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới để tăng cường vai trò trong cục diện mới.

Bình luận của bạn