Việt Nam được đề xuất 5 địa điểm đầu tư Khu công nghiệp nhẹ tại Nga

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực để nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Liên bang Nga lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2020.

alt

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam về đầu tư vào thị trường Nga tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 24/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam và Nga có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng…

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại còn chưa tương xứng với tiềm năng, trao đổi thương mại giữa hai bên còn thấp.

Hiện tại mục tiêu giữa hai nước là đạt 10 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020. Sau khi ký kết FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, nhiều rào cản sẽ được tháo gỡ, các ngành cùng các doanh nghiệp cần phải đề ra mục tiêu tăng gấp đôi về kim ngạch thương mại.

Về việc thành lập Khu công nghiệp nhẹ của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cần phải chọn lựa địa điểm có hạ tầng tương đối thuận lợi cho việc đầu tư.

Trước mắt, các doanh nghiệp Việt Nam cần ngồi lại để bàn việc thành lập công ty cổ phần quản lý khu công nghiệp này (phía Nga nắm giữ 51% cổ phần); đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư tại đây.

Bên cạnh đó, khi đi vào hoạt động, phải ưu tiên lao động người Việt Nam tại chỗ, cùng với đó là chăm lo chỗ ăn, ở và các chế độ an sinh xã hội cho người lao động Việt Nam.

Đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam chủ động qua Nga để tìm thị trường đầu tư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, các ngành may mặc, đồ gỗ, nhựa, thủy sản, chế biến các loại thực phẩm… là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam và sẽ có nhiều triển vọng khi đầu tư sang thị trường Nga.

Do đó, cần xây dựng các nhà máy chất lượng, sản xuất ra các mặt hàng có chất lượng tốt để cung ứng ra thị trường. Thị trường tiêu thụ sẽ hướng vào các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu, trước mắt là thị trường Nga.

Tại buổi làm việc, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã giới thiệu về thị trường đầu tư tại Nga, về dự án Khu công nghiệp nhẹ của Việt Nam tại tỉnh Moskva.

Dự án này nhằm mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ đầu tư vào thị trường Nga, góp phần gia tăng sản xuất hàng tiêu dùng cho thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển sản xuất hàng hóa nội địa của Chính phủ Nga; đồng thời góp phần quan trọng giải quyết vấn đề lao động người Việt Nam tại Nga.

Khu công nghiệp dự kiến được đầu tư với diện tích khoảng từ 100-120ha, sẽ tập trung cung ứng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thương mại và phân phối sản phẩm, dịch vụ pháp lý, dịch vụ hậu cần (logistic), hỗ trợ người lao động.

Theo ông Trần Bắc Hà, hiện phía Nga đã đề xuất 5 địa điểm tại tỉnh Moskva để Việt Nam lựa chọn đầu tư. Dự kiến vào tháng Chín năm nay, khu công nghiệp sẽ bắt đầu được triển khai.

Hiện có 19 doanh nghiệp đang hoạt động tại Nga đã đăng ký tham gia sản xuất trong khu công nghiệp này, với số lượng lao động đăng ký khoảng 3.600 người, diện tích nhà xưởng khoảng 39.000m2. Các doanh nghiệp này sẽ triển khai nhà máy sản xuất hàng may mặc, giày da, đồ gỗ, dệt và bao bì.

Theo BIDV, đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm gần đây tăng nhanh, từ khoảng 100 triệu USD năm 2008 lên gần 2,5 tỷ USD với 19 dự án năm nay. Nga hiện là nước đứng thứ ba trong đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Tuy vậy, ngoại trừ các dự án của công ty liên doanh dầu khí Rusvietpetro có số vốn lớn, các dự án đầu tư vào Nga thường có quy mô nhỏ, chủ yếu là các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm.

Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Liên bang Nga đạt 2,6 tỷ USD.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận của bạn