Việt Nam làm được lốp cho máy bay
Sản phẩm lốp máy bay bơm hơi không săm là 1 trong 6 công trình được trao giải Nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Đoàn, công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm là một vấn đề hoàn toàn mới đối với Việt Nam.
Chưa có đơn vị, cơ quan nào trong nước nghiên cứu, giải quyết vấn đề này, cũng chưa có đối tác nào của nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất.
Đây là dạng công nghệ rất phức tạp, đòi hỏi phải có các thiết bị hiện đại. Tính toán sơ bộ để nhập dây chuyền và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất lốp máy bay từ nước ngoài phải mất khoảng 20 triệu USD.
Điểm độc đáo và sáng tạo của công trình là dựa vào thiết bị và dây chuyền hiện có tại Công ty Cổ phần Cao su Sao vàng và Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân để sản xuất.
Việc hoàn thiện công nghệ được bắt đầu từ chuẩn hóa nguyên vật liệu đầu vào, trong đó 60% là cao su thiên nhiên được sản xuất tại Việt Nam, còn hầu hết các vật tư, hóa chất khác đều nhập ngoại.
Tuy nhiên các vật tư, hóa chất này được bán rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước và về lâu dài vẫn có thể bảo đảm được cho nhu cầu sản xuất lốp máy bay.
Sản phẩm có khả năng cạnh tranh về chất lượng cũng như giá thành vì với chất lượng tương đương nhưng giai đoạn dự án bằng 70% giá nhập ngoại, giai đoạn sản xuất loạt, thương mại hóa sản phẩm có thể tiếp tục ổn định chất lượng và giảm giá thành.
Việc sản xuất thành công sẽ tạo ra một ngành nghề mới là sản xuất lốp máy bay, khi nó được triển khai hết công suất sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động. Ngành Quốc phòng chủ động và kịp thời có thêm một loại phụ tùng thay thế rất cần thiết và khan hiếm cho máy bay huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Đại tá Nguyễn Hữu Đoàn là Chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự thuộc Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Sản phẩm đã được sử dụng tại Trung đoàn 910, Trường sỹ quan không quân, Nha Trang, Khánh Hòa.
Một thành công nữa của hàng không Việt Nam đó là trước đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC), một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Mỹ trao chứng chỉ phê chuẩn Tổ chức bảo dưỡng theo Quy chế Hàng không Liên bang FAR - Part 145 hôm 1/12/2015.
AESC đang cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, cấu kiện phụ tùng máy bay như bánh xe, cụm phanh, bình ô xy, ghế máy bay và các thiết bị khoang bếp như lò nướng, máy pha cà phê….cho các khách hàng trong nước như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Vasco… và các Hãng hàng không nước ngoài như Lao Airlines, Cambodia Angkor Air, Sky Angkor Air, Bassaka Air, Air Bagan, EGAT,…
Bên cạnh các dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, AESC còn đẩy mạnh các hoạt động thiết kế và sản xuất thiết bị nội thất máy bay, thiết bị phục vụ mặt đất sân bay, tư vấn hàng không và đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nhân sự ngành hàng không bằng việc hợp tác với công ty Eagle Flight Training Limited của New Zealand trong đào tạo phi công, công ty Mil-Com Aerospace Group của Singapore trong đào tạo kỹ thuật cơ bản và chuyên ngành hàng không, …
Về việc này, TS Vũ Quốc Huy, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: "Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành cơ sở bảo dưỡng máy bay ở Đông Nam Á. Đến nay, Việt Nam có đủ cơ sở, nguồn nhân lực cần thiết, tuy nhiên để trở thành cơ sở bảo dưỡng máy bay quốc tế cần nguồn đầu tư rất lớn của Nhà nước. Đó là lý do vì sao hiện nay mới chỉ có một số ít doanh nghiệp như AESC xây dựng được trung tâm bảo dưỡng máy bay theo quy chuẩn quốc tế."