Việt Nam sẽ "bắt tay" với Châu Âu để chế biến nông sản

Ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì diễn đàn giữa đông đảo DN trong ngành nông nghiệp Việt Nam với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc...

Với mục tiêu đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, thời gian tới, Bộ NN-PTNT phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Châu Âu sẽ tạo cầu nối cho các DN trong ngành nông nghiệp Việt Nam kết nối, hợp tác sâu rộng với các DN chế biến, thương mại lớn về nông sản tại các nước EU.

18-44-03_img_3298
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Đại sứ Dương Chí Dũng chủ trì hội nghị

Để hiện thực hóa cho chiến lược này, ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì diễn đàn giữa đông đảo DN trong ngành nông nghiệp Việt Nam với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc (Geneva, Thụy Sĩ) nhằm giới thiệu, thảo luận khả năng hợp tác giữa DN trong ngành nông nghiệp Việt Nam với các DN, tập đoàn lớn về công nghệ chế biến nông sản của Thụy Sỹ.  

Khắc phục 2 “yếu huyệt” cho nông sản Việt

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong tổ chức chuỗi SX hàng hóa hiện nay, có rất nhiều khâu còn bất cập, đặc biệt chế biến và thương mại là hai khâu đang yếu nhất hiện nay.

Trong 10 mặt hàng nông sản XK chủ lực, chủ yếu vẫn đang là XK thô, hàm lượng chế biến rất thấp hoặc chỉ sơ chế, chưa có chế biến sâu nên giá trị gia tăng còn quá thấp. Việc tổ chức thương mại, xây dựng thị trường, nuôi dưỡng mở rộng thị trường, đấu tranh bảo vệ thị trường… còn rất yếu. Việc hội nhập với thị trường quốc tế sẽ khó bền vững thành công nếu không giải quyết được các nút thắt này.

Với chiến lược từng bước đưa nông sản Việt Nam bắt kịp với công nghệ chế biến sâu của thế giới, tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) diễn ra cuối năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đặt vấn đề với Đại sứ Dương Chí Dũng cùng với tham tán thương mại Việt Nam tại Châu Âu khảo sát, nghiên cứu, làm việc với các tập đoàn lớn nhất tại Thụy Sỹ về chế biến nông lâm sản để trên cơ sở đó giới thiệu cho các DN tại Việt Nam tiếp cận, tiến tới hợp tác đẩy mạnh chế biến sâu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Thực hiện “đặt hàng” của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết thời gian qua đã tích cực liên hệ, làm việc với nhiều tập đoàn hàng đầu liên quan tới chế biến nông sản tại Thụy Sỹ. Theo đó, hiện nay Thụy Sỹ mặc dù là quốc gia không có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, nhưng trình độ KH-CN trong lĩnh vực chế biến lại ở mức hiện đại nhất thế giới, với nhiều DN, tập đoàn lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, cung ứng dây chuyền, thiết bị chế biến nông sản, đặc biệt là các nghiên cứu sâu về công nghệ thực phẩm, công nghệ dược phẩm. Trong đó, hiện một số tập đoàn về chế biến thực phẩm của Thụy Sỹ cũng đã xâm nhập và phân phối vào thị trường Việt Nam như Cty Buhler, Cty Bucher, Cty Tetra Pak…

Các Cty này đều là những DN tầm cỡ quốc tế, sở hữu nhiều công nghệ chế biến nông sản hiện đại như dây chuyền phân loại, chế biến ngũ cốc bằng công nghệ quang học dành cho các loại nông sản như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, chè, rau quả…; chế biến thực phẩm ăn liền, thức ăn nhanh, chế biến gia vị, thức ăn chăn nuôi; công nghệ xay xát, chế biến, đóng gói trái cây, sữa, sản phẩm ngành chăn nuôi như trứng, sữa, thịt...; cung cấp các dây chuyền kho lạnh, công nghệ bảo quản nông sản và thực phẩm ở trình độ cao…

18-44-03_2
Chế biến đang là khâu yếu nhất của nông sản Việt Nam

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị lớn về nghiên cứu khoa học công nghệ thực phẩm của Thụy Sỹ như Viện Nghiên cứu Công nghệ phục vụ đời sống, Cty Nghiên cứu chế biến dược liệu và Viện Dược liệu Thụy sỹ… cũng là những đơn vị hàng đầu của nước này chuyên nghiên cứu, chế biến sâu đối với nhiều loại nông sản như thanh long, bưởi, na, vú sữa… ; các loại cây thuốc nam, tách tanin trong chè, cà phê, các loại dược phẩm và thực phẩm chức năng…

Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, qua làm việc với các tập đoàn, DN lớn của Thụy Sỹ, các DN này đều đánh giá rất cao tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là dư địa về chế biến nông sản. “Các DN này đều rất am hiểu về nông nghiệp Việt Nam và họ rất mong muốn được hợp tác với DN Việt Nam trong hợp tác đầu tư công nghệ chế biến trong thời gian tới”, Đại sứ cho biết.  

DN trong nước hào hứng

Tại diễn đàn tổ chức ngày 30/3, hơn 30 DN tiêu biểu trong ngành nông nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã bày tỏ sự hào hứng mong muốn được sớm “bắt tay” với các DN Châu Âu, nhất là Thụy Sỹ để hợp tác chế biến nông sản trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ông Nguyễn Văn Linh mong muốn: Hiện nay, một trong những khó khăn nhất của vựa vải thiều Bắc Giang đó là sức ép mùa vụ thu hoạch quá ngắn, chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1 tháng nên việc tiêu thụ hết sức khó khăn. Vì vậy thời gian tới, Bắc Giang rất mong muốn được Bộ NN-PTNT kết nối cùng với Đại sứ Dương Chí Dũng để sớm được hợp tác với các DN của Thụy Sỹ triển khai các dự án bảo quản cho quả vải thiều.

Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng có quy mô đàn gà rất lớn, số lượng hoàn toàn có thể thành lập được các Cty chế biến sâu. Đây cũng là mong muốn mà đại diện UBND tỉnh Hưng Yên tha thiết đề nghị sẽ sớm được hợp tác với các đối tác Thụy Sỹ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Nghệ An (Nafoods Group), một đơn vị có bề dày trong SX chế biến nước ép trái cây, đặc biệt là dứa và chanh leo cô đặc cho biết: Hiện Thụy Sỹ chính là một trong những thị trường chiếm thị phần XK lớn nhất của Nafoods Group. Hiện nay, chanh leo đang nổi lên là một cây trồng có tiềm năng và dư địa, giá trị rất lớn tại Việt Nam. Với chiến lược XK sản phẩm chanh leo chế biến, hiện Nafoods Group đang có kế hoạch xây dựng mới thêm một dây chuyền SX nước ép ở Tây Nguyên tại Gia Lai cùng một dây chuyền phân loại, đóng gói quả chanh leo tươi.

18-44-03_4
Chế biến xoài XK

“Với công nghệ của các tập đoàn chế tạo máy SX thực phẩm của Thụy Sỹ, đây sẽ là cơ hội tốt để DN hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong thời gian tới”, ông Hùng cho biết.

Tại diễn đàn, nhiều DN khác trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam như một số Cty chế biến chè, chăn nuôi chế biến bò thịt, chăn nuôi gia cầm… cũng bày tỏ tính khả quan trong chiến lược hợp tác chế biến nông sản với các DN chế biến của Châu Âu nói chung và Thụy Sỹ nói riêng.

Ông Lương Minh Tùng, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Giống bò, thịt sữa Yên Phú (Ninh Bình) cho biết: Hiện Cty đang đặt chiến lược phát triển đàn bò từ nguồn giống trong nước thay vì NK bò thịt từ Úc về nuôi vỗ béo như trước đây. Tuy nhiên, một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay của Cty đó vẫn là chế biến.

“Tại nhiều nước, thịt bò được bảo quản lạnh trong vòng tới 2 tháng nhưng vẫn đảm bảo rất tươi ngon, trong khi đó tại Việt Nam chỉ bảo quản được 3-5 ngày là đã muốn hỏng. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đối tác nào từ Thụy Sỹ nếu giúp chúng tôi được về công nghệ bảo quản này”, ông Tùng chia sẻ.

Bình luận của bạn