Xuất khẩu da giày đang đứng trước những cơ hội lớn
Đó là nhận định của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) tại Hội nghị xúc tiến xuất khẩu ngành da giày 2015 do Lefaso phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 15-7 tại TP.HCM.
Ngành da giày đang đứng trước cơ hội lớn để tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo Lefaso, với kim ngạch XK năm 2014 trên 10 tỉ USD, năm 2015 dự kiến khoảng 12 tỉ USD, ngành da giày Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Italy.
Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Mac Kisey’s Apparel CPO Survey thực hiện năm 2013 về xu hướng nguồn cung ứng toàn cầu của ngành da giày cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Bangladesh) có nguồn cung ứng thường xuyên cho các nhà mua quốc tế.
Theo thống kê của Lefaso, xuất khẩu của ngành da giày trong giai đoạn 2009-2014 đều luôn tăng trưởng ngay cả trong những năm kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn do khủng hoảng. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản vẫn những thị trường xuất khẩu chủ đạo của ngành da giày trong những năm gần đây. Trong đó, kim ngạch XK vào thị trường EU tuy có bị sụt giảm trong năm 2012 nhưng lại tiếp tục tăng trưởng trở lại trong hai năm 2013-2014.
Điều đáng chú ý là nếu như trước đây, thị trường EU chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày thì hiện nay lại có xu hướng giảm, trong khi kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ lại có sự tăng trưởng mạnh. Thị trường Nhật Bản dù rất kén chọn trong việc nhập khẩu các sản phẩm da giày nhưng vẫn duy trì sự tăng trưởng nhập khẩu đối với sản phẩm da giày của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đến cuối năm 2014 khoảng 500 triệu USD.
Đánh giá về cơ hội tăng trưởng XK của ngành da giày trong thời gian tới, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, cùng với EU và các thị trường trong khối TPP và RCEP, ngành da giày Việt Nam đã có trên 70% thị trường tiêu thụ của ngành da giày thế giới, đây là cơ hội rất lớn cho ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với thị trường tiêu thụ rộng mở, xu hướng dịch chuyển của các nhà NK từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam và cơ cấu dân số vàng đang là cơ hội tốt cho sự phát triển của ngành da giày trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự ổn định về chính trị, chi phí, chất lượng nhân công còn cạnh tranh và chính sách khuyến khích xuất khẩu cũng đang mang đến cho ngành da giày nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thách thức của ngành da giày trong hội nhập là không nhỏ. Theo đó, khả năng đáp ứng các điều kiện của các hiệp định thương mại tự do, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và chi phí lao động dự kiến sẽ tăng cao trong các năm tới sẽ mang đến không ít khó khăn ngành da giày trong tiến trình hội nhập.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, phần lớn doanh nghiệp trong ngành da giày là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thiếu chủ động trong công nghiệp hỗ trợ, khả năng quản trị và tăng năng suất lao động còn yếu. Do vậy để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững bên cạnh các chính sách nhằm hỗ trợ xuất khẩu như thúc đẩy quá trình đàm phán và kí kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cụ thể hóa các hiệp định thương mại tự do vừa kí kết, ngành da giày còn cần có các chính sách phát triển bền vững hướng về phát triển thị trường nội địa và ngành công nghiệp hỗ trợ còn đang non trẻ./.
Nguồn: Báo Hải quan Online