Xúc tiến đưa hàng Việt đi xa
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai đa dạng các hoạt động xúc tiến xuất khẩu như giới thiệu sản phẩm tại những hội chợ, triển lãm, tổ chức các chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước.
Đồng thời, thành phố ngày càng chú trọng các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, tạo điều kiện để các nhà nhập khẩu trực tiếp tham quan cơ sở sản xuất, hỗ trợ thu hút đầu tư và du lịch...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng, trong sáu tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 11,28 tỷ USD, tăng 8,14% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tận dụng để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, nâng cao, cải tiến chất lượng hàng hóa.
Đại diện lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh tại Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Mi-an-ma 2015.
Báo cáo của ITPC cho thấy, trong sáu tháng qua, không chỉ xúc tiến trong nước, hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài cũng rất được đơn vị chú trọng mà gần nhất là Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch 2015 tại Cam-pu-chia. Hội chợ thu hút 60 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực may mặc, hàng gia dụng, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ... Đây là lần thứ sáu ITPC tổ chức hội chợ tại Cam-pu-chia, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm cũng như trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Cam-pu-chia. Trong năm ngày diễn ra, hội chợ thu hút khoảng 52 nghìn lượt khách tham quan và mua sắm, với doanh số đạt khoảng 2,1 triệu USD. Giám đốc ITPC Phó Nam Phượng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm chất lượng và giá cả phù hợp, ngày càng khẳng định được vị thế của hàng Việt Nam trong lòng người tiêu dùng Cam-pu-chia, cũng như trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của nhiều nước lân cận.
Cùng thời điểm trên, Hội chợ Thủ công mỹ nghệ - Dệt may do ITPC tổ chức đã diễn ra ở Hồng Công (Trung Quốc). Tại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 11 bản ký kết thỏa thuận với các đối tác. Theo ITPC, đây là hội chợ quốc tế chuyên ngành hàng đầu với hơn 17 nghìn nhà mua hàng đến từ hơn 120 quốc gia trên thế giới. Gần đây nhất là Hội chợ triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Việt Nam - Mi-an-ma 2015. Hội chợ thu hút 80 doanh nghiệp tham gia với 115 gian hàng thuộc lĩnh vực thương mại, như: Thực phẩm chế biến, nông sản chế biến, đồ gia dụng, đồ điện, hàng dệt may, hóa mỹ phẩm, trang trí nội thất, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị công nghiệp… Đặc biệt, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã trưng bày sa bàn với mô hình dự án “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center”. Đây sẽ là trung tâm văn hóa - kinh tế của Việt Nam tại Mi-an-ma, đáp ứng nhu cầu về khách sạn, nhà ở và văn phòng cho thuê tại thành phố Yangon; là điểm nhấn quan trọng cho mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu dài, bền vững của hai quốc gia.
Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực của Việt Nam và phục vụ khách tham quan hội chợ, ban tổ chức còn mở khu vực ẩm thực giới thiệu những món ăn đặc trưng của Việt Nam, như: Phở bò, phở gà, bún bò, bánh cuốn, chè các loại… Chỉ trong năm ngày, hội chợ đã thu hút gần 21 nghìn lượt khách tham quan và mua sắm với doanh số bán hàng ước đạt khoảng 2,7 triệu USD. Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được đón nhận tại thị trường Mi-an-ma do chất lượng tốt, giá cả hợp lý và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm Việt Nam thu hút sự quan tâm đông đảo của khách tham quan và mua sắm là hàng hóa của một số công ty như: Công ty Nệm gối Liên Á, Công ty Hàng gia dụng Kangaroo, Công ty Bánh kẹo Bibica, Công ty Song hoa, Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn, Công ty May mặc Quế Hương…
Trong sáu tháng đầu năm 2015, ITPC còn phối hợp với Bộ Công thương và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2015”; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tổ chức hội thảo “Giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc”; phối hợp các cơ quan chức năng của In-đô-nê-xi-a tổ chức Hội thảo “Tiếp cận thị trường In-đô-nê-xi-a trong giai đoạn hội nhập ASEAN 2015”. Giám đốc ITPC Phó Nam Phượng cho rằng, các hoạt động phát triển xuất khẩu tổ chức tại nước ngoài chính là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác xuất khẩu, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam. Thí dụ như ở In-đô-nê-xi-a, sau một loạt nỗ lực xúc tiến thương mại và đàm phán, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vươn đã đàm phán và thỏa thuận xuất khẩu gạo sang thị trường In-đô-nê-xi-a thông qua hệ thống Lotte Mart; Công ty TNHH MTV ĐT&PT MTX Đông Dương gặp gỡ và đàm phán hợp đồng với năm đối tác In-đô-nê-xi-a; Công ty TNHH Kỹ Thuật SX - TM Bạch Kim đàm phám và ký ghi nhớ để xuất khẩu thanh long, dưa hấu, chanh, ớt, nấm các loại cho Lotte Mart; Doanh nghiệp tư nhân Cát Tường sẽ xuất khẩu với các mặt hàng cá tra phi-lê, củ sắn, củ hành tím cho Lotte Mart và xuất khẩu đậu phộng cho một đối tác khác.
Theo báo Nhân dân