Xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các doanh nghiệp Trung Quốc
Ngày 27/5, tại thành phố Lào Cai, UBND các tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: QT
Tại hội nghị, đại diện DN Việt Nam và Trung Quốc đã thảo luận, đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu quả vải. Theo ý kiến của các DN, xuất khẩu quả vải dù được Lào Cai tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như thông tin giữa DN hai bên chưa rõ ràng; vẫn còn tình trạng quả vải Việt Nam phụ thuộc giá mà phía Trung Quốc đặt ra. DN hai bên cũng thẳng thắn kiến nghị để tìm ra giải pháp để tình hình xuất khẩu quả vải được cải thiện.
Đại diện các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên mong muốn lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Công thương kịp thời thông tin, dự báo nhu cầu tiêu thụ vải thiều tại thị trường Trung Quốc; hỗ trợ các tỉnh kết nối với các DN có năng lực để vải thiều dễ dàng vào thị trường Trung Quốc.
Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vải thiều trên các phương tiện truyền thông, kịp thời cập nhật tình hình thị trường, các chính sách thu mua mới từ Trung Quốc; tạo điều kiện về giao thông cho các phương tiện vận chuyển vải thiều; tạo điều kiện về kho, bãi, ưu tiên thông quan tránh ách tắc tại cửa khẩu; phối hợp vận động chính quyền Vân Nam (Trung Quốc) mở rộng các điểm thông quan, xuất khẩu vải thiều trên cơ sở hạ tầng có sẵn của hai bên.
Đề nghị phía chính quyền và các cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; rút ngắn thời gian thông quan để vải thiều có điều kiện xâm nhập nhanh vào thị trường Trung Quốc.
Năm 2015, sản lượng quả vải xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đạt 26.161 tấn, trung bình 420 tấn/ngày, tổng giá trị đạt 11,6 triệu USD. Ảnh: QT
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết, Lào Cai sẽ tạo mọi điều kiện về giao thông, kho bãi, thời gian, thủ tục để xuất khẩu quả vải thiều tươi sang Trung Quốc thuận lợi nhất. Ông Hưng cũng yêu cầu các ngành chức năng như Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, hải quan, biên phòng, kiểm dịch cùng vào cuộc tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu quả vải; Sở Công thương chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương cho phép kéo dài thời gian xuất khẩu quả vải trong ngày đến 22 giờ.
Về phía Trung Quốc, ông Dương Bằng, Phó huyện trưởng Chính phủ nhân dân huyện Hà Khẩu cho rằng, đây là cơ hội tốt để DN hai bên tăng cường giao lưu hợp tác, tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai cặp cửa khẩu Lào Cai -Hà Khẩu. Phía huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng cam kết tạo thuận lợi cho DN hai bên, kịp thời thông tin về nhu cầu tiêu thụ của thị trường để DN Việt Nam chủ động nguồn hàng trong mùa xuất khẩu quả vải.
Theo dự tính, năm 2016, dự báo sản lượng vải thiều từ tỉnh Bắc Giang 130.000 tấn, Hải Dương 50.000 tấn. Dự kiến thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 5/6 đến 20/6/2016, vải chính vụ từ ngày 20/6 đến 25/7/2016. Chất lượng vải thiều năm nay được đánh giá cao hơn so với năm trước, công tác chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ cũng được các tỉnh thực hiện kỹ lưỡng.
Các tỉnh có vải quả xuất khẩu xác định Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng và được quan tâm hàng đầu, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu vải thiều. Các thương nhân Trung Quốc là đối tác quen thuộc, truyền thống đối với các DN Việt Nam.
Quả vải tươi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), chiếm 40% tổng sản lượng xuất khẩu quả vải của các tỉnh. Năm 2015, sản lượng quả vải xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đạt 26.161 tấn, trung bình 420 tấn/ngày, tổng giá trị đạt 11,6 triệu USD.