Xây dựng thương hiệu cho trái thanh long

Việt Nam đang tích cực triển khai xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị xuất khẩu (XK) cho thanh long – loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam, đang được XK đến rất nhiều quốc gia.

Trái cây Việt được ưa chuộng

Từ ngày 8 - 10/2, Hội chợ quốc tế trái cây và rau củ quả (Fruit Logistica 2017) đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Berlin (Đức) với hàng nghìn nhà triển lãm trên thế giới đến tham dự. Tham gia hội chợ, Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm trái thanh long được trồng theo chương trình hỗ trợ của Liên minh châu Âu về quy trình canh tác và chăm sóc để bảo đảm chất lượng, đủ tiêu chuẩn XK vào các thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Mặc dù chỉ giới thiệu một loại đặc sản duy nhất là trái thanh long, song gian hàng của Việt Nam thu hút rất nhiều khách tham quan. Lễ ký kết hợp tác bước đầu giữa các doanh nghiệp (DN) XK trái cây của Việt Nam và Công ty Landgard - nhà phân phối trái cây và rau củ quả hàng đầu của Đức - cũng được diễn ra ngay trong khuôn khổ hội chợ. Đây được xem là bước khởi đầu, mở đường cho trái thanh long nói riêng và trái cây của Việt Nam nói chung chinh phục thị trường Đức vốn rất khó tính.

Trước đó, vào đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã công bố Báo cáo cuối cùng đánh giá các yêu cầu an toàn sinh học đối với việc nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã khuyến cáo Chính phủ Australia cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại ở Việt Nam với điều kiện đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học. Trái thanh long sẽ nhanh chóng được cấp phép vào Australia trong thời gian tới.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, diện tích thanh long cả nước đạt hơn 28.700ha, 80% sản lượng thanh long được dùng cho XK. Ngày càng nhiều thị trường đã và đang mở cửa cho trái thanh long.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Mặc dù đã XK đến nhiều thị trường và được các bạn hàng khá ưa chuộng, nhưng giống như nhiều loại trái cây khác, trái thanh long vẫn dễ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Chưa kể, do còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ đến 70% lượng thanh long XK, rủi ro rất dễ xảy ra với loại trái cây này. Do đó, đa dạng hóa thị trường XK là yêu cầu bắt buộc.

Để đa dạng hóa được thị trường cho sản phẩm, nâng cao chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là yêu cầu cấp thiết hàng đầu. Theo đó, Bình Thuận - địa phương hiện có 26.500ha thanh long với sản lượng 500.000 tấn/năm - đang định hướng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Cụ thể, song song với việc nâng cao chất lượng, thời gian tới, Bình Thuận sẽ có hệ thống giải pháp phát triển đồng bộ là đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi từ các hộ cá thể thành các hộ liên kết hợp tác, xây dựng hợp tác xã (HTX); tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ cho các chủ hộ sản xuất thanh long; xúc tiến thương mại, tìm hướng đi cho đầu ra của cây thanh long với mục tiêu phát triển thanh long trở thành thương hiệu quốc gia...

Tại Tiền Giang, thực hiện Đề án phát triển cây thanh long Chợ Gạo giai đoạn 2009 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020, nhiều DN đã đầu tư công nghệ nhằm nâng cao giá trị cho trái thanh long XK như HTX thanh long Tầm Vu (thị trấn Tầm Vu, Châu Thành) đầu tư, sản xuất 60ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ XK riêng cho các thị trường khó tính…

Bình luận của bạn