7 mẹo hay giúp tiêu hóa tốt
Ăn uống điều độ, vận động thường xuyên, bổ sung lợi khuẩn... sẽ có ích cho hệ tiêu hóa - cơ quan được ví như "bộ não thứ 2" với hơn 100 triệu nơron thần kinh hoạt động thông minh.
Hệ tiêu hóa trải dài từ miệng đến hậu môn với nhiều phần khác nhau. Riêng đường ruột có hơn 100 triệu nơron thần kinh thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như co bóp thức ăn, tiêu thụ - hấp thu dinh dưỡng, điều hành hoạt động của hormone sản sinh miễn dịch… Cơ quan này còn cảm nhận và vận chuyển thông tin, chi phối hệ thần kinh xúc cảm, đóng góp 70-80% vào sức đề kháng và 100% năng lượng nuôi sống toàn bộ cơ thể. Chính vì vậy, các nhà khoa học gọi đây là "bộ não thứ 2" của con người.
Bụng yếu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe (ợ hơi, khó tiêu, đau dạ dày…) mà còn khiến bạn ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần buồn bực. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc hệ tiêu hóa đúng cách, tránh viêm, loét, ung thư dạ dày và các bệnh lý đường ruột...
Ăn uống điều độ, đúng giờ
Chế độ ăn uống hàng ngày nên đủ 3 bữa và đúng giờ. Bữa sáng ăn nên nhiều về số lượng và chất lượng, trước 9h. Trưa ăn vừa phải. Tối ăn gọn nhẹ, nạp năng lượng trước giờ ngủ ít nhất 2 tiếng. Thời gian dùng bữa phải duy trì đều đặn, tránh lúc ăn sớm, khi ăn trễ; lúc ăn nhiều, khi lại bỏ bữa. Nếu duy trì được như vậy, hiếm khi bệnh đau dạ dày viếng thăm bạn.
Chế biến hợp vệ sinh
Có nhiều vi sinh vật gây bệnh đường ruột ẩn nấp trong thực phẩm như E.coli, Salmonella, Candida, HP... Candida với khoảng 300 loài, là một trong những loại nấm gây bệnh phổ biến. Chúng hiện diện ở khắp nơi, dễ theo thức ăn nhiễm vào đường ruột, khu trú ở thực quản, dạ dày hoặc đại tràng. Khi tấn công hệ tiêu hóa, nấm Candida có thể gây tiêu chảy, loạn khuẩn... Trong khi đó, vi khuẩn HP nguy cơ cao gây xung huyết, viêm loét, thủng hoặc ung thư dạ dày.
Ăn chín uống sôi là cách đơn giản và hiệu quả nhất bảo vệ hệ tiêu hóa. Thực phẩm nên được sơ chế và nấu nướng hợp vệ sinh. Rau rửa sạch, ngâm nước muối để loại bỏ vi sinh vật. Thịt, sườn nên chần qua nước sôi trước khi chế biến. Không nên lưu trữ thức ăn thừa, tránh dùng chung bát đũa với người khác để phòng nhiễm khuẩn HP.
Bổ sung lợi khuẩn
Có khoảng 100.000 tỷ vi khuẩn trong đường ruột, gấp 10 lần số tế bào có trong cơ thể. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần có 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn đường ruột. Trong đó, hại khuẩn gây các bệnh hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày, đầy hơi, ngộ độc, tiêu chảy, táo bón, hội chứng kích thích ruột, viêm ruột, trĩ…
Bổ sung lợi khuẩn (Probiotics) là cách hiệu quả tăng lợi khuẩn, kiềm chế hại khuẩn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm bệnh tiêu hóa. Những thực phẩm tự nhiên giàu probiotics gồm sữa chua, dưa muối, pho mát…
Trong đó, sữa chua là món ngon cung cấp hàng tỷ lợi khuẩn cho đường ruột. Đặc biệt, chủng men Probiotics L.Casei 431 được Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam công nhận hỗ trợ miễn dịch đường ruột, tăng sức đề kháng cơ thể.
Thực phẩm nên ăn
Người xưa có câu "bệnh tòng khẩu nhập", ý nói bệnh tật do ăn uống mà vào. Lựa chọn thực phẩm sạch giúp bảo vệ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bạn nên uống nhiều nước, ưu tiên rau củ giàu chất xơ, giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa dễ dàng. Các loại rau lá củ cải, bina, cải xoăn, cải bắp, cà rốt, súp lơ… có tính kiềm, trung hòa acid dịch vị trong đường ruột.
Thực phẩm giàu kẽm tái tạo tế bào miễn dịch, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng. Chúng có nhiều trong sò, củ cải, cùi dừa già, đậu Hà Lan, lòng đỏ trứng, khoai lang, đậu phộng…
Tránh thực phẩm gây hại
Người bụng yếu nên tránh món chiên rán, bởi ở nhiệt độ cao, dầu mỡ kết hợp với thực phẩm tạo thành các chất khó tiêu hóa, gây đầy bụng, khó tiêu.
Đồ cay chứa chất kích thích, có thể làm tê liệt hoạt động tiết dịch và men tiêu hóa, khiến thức ăn lâu tiêu. Dung nạp quá nhiều các loại ngũ cốc, lúa mạch giàu tinh bột cũng là gánh nặng cho hệ tiêu hoá, tích tụ lại dạ dày và gây nên cảm giác đầy bụng. Ăn nhiều đồ chua, nhất là lúc đói, có thể làm lượng acid dạ dày tăng lên đột ngột, gây xót ruột và trướng bụng.
Vận động thường xuyên
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ nhờ vào chế độ ăn uống. Thói quen tập thể dục, vận động hàng ngày cũng giúp "bộ não thứ 2" hoạt động tốt hơn. Song lưu ý không nên vận động mạnh ngay sau khi ăn no.
Tránh căng thẳng
Stress khiến bạn ăn mất ngon, ức chế quá trình tiêu hóa và hấp thu. Stress không gây loét dạ dày như nhiều người lầm tưởng, nhưng tâm trạng buồn phiền, u sầu sẽ khiến triệu chứng bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, bạn cần xây dựng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh stress. Bữa ăn gia đình nhất thiết phải có niềm vui và tiếng cười.