Ăn gì để có đủ vi chất dinh dưỡng

Theo Viện Dinh dưỡng, có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, gồm các vitamin tan trong nước như nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, iode, đồng, mangan, magie...

Các nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng

Có 3 giải pháp chính để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

- Giải pháp ngắn hạn: Bổ sung trực tiếp các vi chất dinh dưỡng như uống vitamin A, viên sắt, dầu i-ốt…

- Giải pháp trung hạn: Tăng cường vi chất vào thực phẩm.

- Giải pháp dài hạn: Đa dạng hóa bữa ăn, cải thiện toàn diện chất lượng bữa ăn.

Vi chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm tự nhiên

Đây là biện pháp lâu dài và cơ bản, cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, sao cho khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng, trong đó có các vi chất dinh dưỡng. Vi chất dinh dưỡng được lấy từ khẩu phần ăn đa dạng, có nhiều loại thực phẩm giàu vi chất.

Nguồn thực vật

Beta-caroten (tiền chất của vitamin A) có nhiều trong rau, quả có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như rau muống, rau ngót, cải bó xôi, súp lơ xanh… Các loại rau màu xanh sẫm còn có nhiều chất sắt và vitamin C. Hàm lượng vitamin C cao giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.

Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… đậu nành; các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...). Đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu.

Hàm lượng i-ốt có trong 100 g thực phẩm nguồn thực vật như tảo bẹ (Laminaria) 200 mcg; tảo tía (khô): 1.800 mcg; rau chân vịt: 164 mcg; rau cần 160 mcg; cải thảo: 9,8 mcg; rau cải xoong 45 mcg; khoai tây 4,5 mcg;

Nguồn động vật

Vitamin A: Có nhiều trong các loại gan động vật, lòng đỏ trứng, thịt... Trong 100 g thịt gà có 120 mcg vitamin A; 100 g lợn có 6.000 mcg vitamin A; trong 100 g cá trê có 93 mcg vitamin A; 100 g lòng đỏ trứng gà có 960 mcg vitamin A.

Sắt: Các loại thịt màu đỏ có nhiều sắt.

Kẽm: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá… chứa nhiều kẽm. Trẻ nhũ nhi để có đủ kẽm nên bú sữa mẹ, vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.

I-ốt: Hàm lượng i-ốt có trong 100 g thực phẩm nguồn động vật như cá biển, cua biển: 80 mcg; trứng gà: 9,7 mcg; bầu dục 36,7 mcg. Ngoài ra trong 100 g muối biển tự nhiên chứa 2 mcg; 100 g muối ăn có 7.600 mcg; 100 g nước mắm có 950 mcg i-ốt.

Bình luận của bạn