Ăn Tết thế nào để tốt cho bao tử

Vì sao gọi là "ăn Tết"

Những năm gần đây, do kinh tế phát triển, đời sống của mọi người được nâng lên, một bộ phận người dân có nhu cầu đi chơi, du lịch, thưởng ngoạn, đón xuân ở nơi này, nơi khác trong dịp Tết. Đáp ứng một phần nguyện vọng đó, Chính phủ cũng tạo điều kiện bằng cách cho nghỉ bù, làm bù để có đợt nghỉ Tết dài hơn. Đối với những người này, Tết không còn là ăn nữa mà là nghỉ ngơi, thư giãn, đi chơi, du xuân…

Tuy nhiên, một bộ phận này không phải là tất cả. Có lẽ trước đây, kinh tế còn nghèo nàn, ngày thường bữa ăn của dân ta còn đạm bạc nên những ngày đầu năm mới, gia đình nào cũng thể hiện mong muốn đón một năm an nhàn, thịnh vượng, được mặc đẹp, ăn ngon, thể hiện rõ nét hơn cả là chi phí và sự chuẩn bị cho những bữa ăn ngày Tết.

Chắc là thế nên khái niệm “ăn Tết” đã hình thành và do đó có những câu thăm hỏi như nhà bác, nhà anh ăn Tết có to không. Chắc là thế nên ngay cả “những lời tiên tri” của các bác thầy bói xưa kia cũng khẳng định với thân chủ của mình rằng “số cô không giàu thì nghèo, ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”.

Hay trong câu “đói ngày giỗ cha, no 3 ngày Tết” - một câu nói thể hiện sự tập trung cao độ cho việc đón khách, tiếp khách (trả nghĩa) trong ngày giỗ và thể hiện sự ăn uống đầy đủ, thậm chí dư thừa trong những ngày Tết của dân ta…

Ngày nay, nhu cầu đón Tết, vui xuân có những thay đổi đáng kể, vấn đề ăn trong ngày Tết không còn là điều tối quan trọng nữa. Nhiều cơ quan xí nghiệp không phải lo chia thịt, chia gạo cho nhân viên, các nguồn lương thực, thực phẩm từ thành phố đến nông thôn cũng đa dạng, phong phú hơn trước rất nhiều. Có những món trước đây chỉ thấy trong dịp Tết (như bánh chưng loại to…) thì nay muốn ăn ngày nào cũng có thể mua được. Thậm chí, rất nhiều loại hàng hóa lương thực, thực phẩm của nước ngoài nay muốn ăn đều có thể mua được tại các siêu thị ở thành phố hoặc chợ nông thôn… Chính vì vậy, việc ăn Tết quá to, quá nhiều so với ngày thường vẫn còn là một vấn đề đáng được quan tâm.

Phải chăng “ăn vào người chứ có mất đi đâu”

Xét về góc độ tài chính, Tết vẫn là những ngày hầu hết mọi gia đình chi phí rất nhiều cho các loại đồ uống, bánh mứt, kẹo, thực phẩm… Nếu về thăm một vùng quê nào đó vào 28, 29, 30 Tết, ta dễ dàng nhận thấy không khí chuẩn bị rộn ràng như rửa lá dong, gói bánh chưng hay mổ bò, mổ trâu, giết lợn…

Khi đi thăm hỏi các gia đình trong thành phố trong những ngày Tết, ta dễ dàng nhận thấy những gương mặt đỏ bừng, những chai rượu tây đang uống dở hay hàng đống vỏ bia chai, bia lon nơi góc nhà, ngoài sân mà chủ nhân của nó không cố tình giấu giếm. Khi được khuyên hãy tiết kiệm, hay “đừng no dồn, đói góp” cũng đã có những ý kiến biện minh rằng “ăn vào người chứ có mất đi đâu”.

Thực ra thì đúng vậy nhưng cũng không phải vậy. Khoa học đã chứng minh, không phải cứ ăn vào bao nhiêu là cơ thể sẽ tiêu hóa, hấp thụ được bấy nhiêu. Khi đã hấp thu rồi thì không phải cứ hấp thu (vào máu) được bao nhiêu thì sẽ sử dụng được từng ấy.

Chẳng hạn một ngày, mỗi người chỉ cần 1,2 mg B1, 1,8 mg B2 và 75 mg vitamin C là đủ, nếu ăn (hoặc uống) vào nhiều thì cơ thể cũng thải ra ngoài theo nước tiểu mà thôi. Hoặc như đối với protein, bình thường một người lớn cần từ 1g/kg thể trọng, cơ thể sẽ tạo ra một bilan cân bằng (chỉ tiêu hao bằng chừng ấy, không thừa cũng không thiếu. Nhưng chỉ cần ăn thêm 20g chất đạm một ngày (tương đương một lạng thịt lợn nạc), thì cũng phải mất 6 ngày sau cơ thể mới lập lại được sự cân bằng ni tơ cho sự tăng thêm đó. Do đó, trong mấy ngày Tết, dù ta có ăn tăng thêm nhiều chất đạm bao nhiêu thì cơ thể cũng không hấp thu thêm được là bao.

Không nên ăn nhiều, cũng đừng quá chén

Nếu ăn một cái Tết linh đình thì không chỉ đơn thuần là lãng phí về tài chính. Ăn nhiều cũng có những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.

Trước đây Hải Thượng Lãn Ông đã từng viết “Có câu tham thực cực thân, bệnh từng khẩu nhập ta cần phải kiêng, muốn cho ngũ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng nhịn thèm hơn đau”. Hay câu “Chết vì bội thực cũng nhiều, ngờ đâu lại có người nghèo chết no”. Trong một số tài liệu y học hiện đại cũng đã nêu một trong những nguyên nhân gây nên viêm tụy cấp (bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao) là sau khi thưởng thức bữa ăn thịnh soạn. Đối với người già và những người bị bệnh tim mạch không nên ăn quá no, quá nhiều những thức ăn khó tiêu, nhất là vào buổi tối vì khi ấy dạ dày căng to, đẩy cơ hoành lên chèn ép vào tim, tim làm việc nhiều trong tình trạng ấy dễ xảy ra tai biến nguy hiểm.

Đối với rượu bia, cần đề phòng rượu bia giả, nhái nhãn mác, chất lượng không được kiểm duyệt, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhưng với rượu thật, bia xịn thì cũng chỉ nên uống trong một chừng mực nhất định.

Khác với thức ăn thường, khi uống rượu, cơ thể không phải tiêu hóa rượu mà hấp thu rất nhanh. Khi xuống đến đoạn đầu của ruột non, 80% rượu đã được hấp thu vào máu, đến các tổ chức, kích thích hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch. Nếu uống nhiều sẽ gây nên hiện tượng “tửu nhập ngôn xuất” và đôi khi tửu nhập nhưng không chỉ có ngôn xuất mà cả thức ăn cũng “xuất” theo (nôn mửa), chưa kể đến những phát sinh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hay là những tai nạn giao thông khi đi ra đường sau khi uống bia rượu.

Để hạn chế các vấn đề về tiêu hoá trong dịp Tết, sữa chua là lựa chọn lý tưởng. Sữa chua bổ sung men vi sinh, giúp hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hoá, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất béo, giải thoát hệ tiêu hóa khỏi tình trạng quá tải thường thấy dịp Tết. Ngoài ra, các dưỡng chất có trong sữa chua thường ở dạng dễ hấp thu, tiếp sức cho cơ thể tái tạo và bổ sung năng lượng.

Cần chú ý đề phòng ngộ độc thức ăn

Ngày Tết thường xảy ra ngộ độc thức ăn. Những món ăn chế biến sẵn như giò chả, bánh chưng, chè kho, thịt đông, mứt kẹo rất dễ bị ôi thiu, hư hỏng, nhất là gặp phải trời nóng. Ngộ độc có thể do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (chẳng hạn như bị nhiễm vi khuẩn samonella, E.Coli, các loại vi sinh vật gây bệnh truyền từ súc vật sang người như giun sán, lao…). Ngộ độc cũng có thể do nấm mốc (vi nấm) và độc tố của nó (chẳng hạn thực phẩm bị nhiễm nấm A. Flavus có độc tố aflatoxin, do thức ăn bị biến chất), do bản thân thức ăn có độc (ví dụ như ăn phải nấm độc lẫn vào nấm ăn thu hái ngoài tự nhiên). Cũng có thể do những chất hóa học dùng tùy tiện trong quá trình chế biến, bảo quản thức ăn và các hóa chất bảo vệ thực vật lẫn trong rau củ quả, trong hải sản đông lạnh…

Để phòng chống ngộ độc thức ăn có hiệu quả, cần loại bỏ thói quen mua dự trữ quá nhiều thực phẩm trước Tết vì hiện nay gần như trưa chiều mồng 1 Tết đã có nhiều thực phẩm hàng hóa, rau củ quả bày bán rồi. Đối với những loại thức ăn nguội, chế biến sẵn như đầu giò, góc bánh chưng, các món xôi, nộm, dưa muối… cần được kiểm tra cẩn thận trước khi dùng, nếu nghi ngờ có các dấu hiệu ôi thiu hư hỏng thì cần loại bỏ ngay.

Ngoài ra, bát đĩa, cốc chén, thìa dĩa, xoong nồi trong ngày Tết thường dính nhiều dầu mỡ, đường mật, cần được rửa sạch sẽ bằng nước ấm, nước chuyên dụng và để nơi khô ráo tránh bụi, ẩm mốc, chuột bọ…

                                                                                                       Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đình Toán

Bình luận của bạn