Bệnh nóng trong người

Nóng trong người hay còn gọi là nội nhiệt là hiện tượng phổ biến nhiều người mắc phải khi sang hè. Biểu hiện là tình trạng thường xuyên cảm thấy nóng trong người, khô táo, người gầy, da khô, miệng háo khát, tiểu tiện nóng, táo bón…

Để giảm nóng trong người một cách hiệu quả chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của bệnh, từ đó tìm ra những giải pháp để khắc phục hiện tượng này.

1. Nguyên nhân

Nguyên nhân của nóng trong người bao gồm cả nguyên nhân bên trong và ngoài cơ thể. Nguyên nhân bên trong là do chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa; gan và thận suy yếu nên chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại, và chính những độc tố này tạo môi trường thuận lợi phát sinh mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng.

Nguyên nhân bên ngoài bao gồm rất nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như: uống rượu bia hay sử dụng các chất kích thích; ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay – nóng. Hay làm việc trong thời tiết nóng bức, uống ít nước cũng gây nên nội nhiệt.

2.     Triệu chứng

Người bị nội nhiệt luôn cảm thấy mệt mỏi, người gầy, đi tiểu nóng có màu vàng hoặc đỏ, táo bón. Nặng hơn là trường hợp viêm nhiễm cục bộ như mụn nhọt, dị ứng, mẩn ngứa hoặc nóng âm ỉ trong xương, thậm chí chảy máu cam, nổi ban đỏ.

3.     Hậu quả

Nội nhiệt nếu để lâu ngày sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, dễ bị nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nội nhiệt còn gây nên xuất huyết dưới da, rối loạn thành mạch và rối loạn cơ địa.

4.     Biện pháp chữa trị

Nóng trong người thì cơ thể cần được thanh nhiệt và giải độc. Cách thanh nhiệt hiệu quả là điều chỉnh chế độ ăn uống. Trong thực đơn hàng ngày bổ sung thêm nhiều rau, củ mát như: canh mồng tơi, canh khổ qua, rau dền…ưu tiên các loại thịt trắng như cá, đậu hủ, thịt gà, vịt. Nên chế biến món ăn bằng phương pháp luộc, hấp, xào nhanh thay cho cách chế biến như chiên trong dầu mỡ, nướng, quay… Rau xanh và trái cây sẽ cung cấp các loại vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng chống oxy hóa. Các loại trái cây chứa nhiều nước như: bưởi, thanh long, dưa gang… có tác dụng thanh lọc cơ thể tốt hơn các loại trái cây khác. Ngoài ra, bạn cũng cần uống thêm nhiều nước và nước ép trái cây.

Nếu như nội nhiệt nặng, ngoài chế đô ăn uống như trên bạn cần uống thêm một số loại thuốc tây y, đông y. Đối với thuốc tây y, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng. Đối với thuốc đông y, bạn có thể dùng một số loại thảo dược theo cách chữa dân gian như:  sài đất, cỏ mực, cúc hoa, sắn dây, huyền sâm, sinh địa, rau má, cỏ tranh, mã đề, râu bắp, râu mèo, rong biển…

Hè sang là thời điểm nội nhiệt sẽ bộc phát mạnh. Vì vậy bạn cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí để giảm hiểu nguy cơ nhiệt phát trong người.

Bình luận của bạn