Biến đổi khí hậu và những hệ lụy kinh tế

Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), giới phân tích nhận định, đây có thể là cơ hội tốt cuối cùng để thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức giới hạn trần 1,5 - 20C, như trong Thỏa thuận Paris năm 2015.

Hang động mới xuất hiện ở những vùng lạnh nhất do Trái đất ấm lên. Ảnh Reuters

Theo Reuters, dưới đây là 10 câu hỏi về những tác động do biến đổi khí hậu mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang cố gắng trả lời.

Giá phải trả cho biến đổi khí hậu là bao nhiêu?

Từ lũ lụt và cháy rừng, đến xung đột và di cư, các mô hình kinh tế gặp khó khăn để đưa ra ước tính về những tác động có thể xảy ra do trái đất nóng lên. Theo ước tính của IMF, nhiệt độ tăng không kiểm soát sẽ làm giảm 7% tổng sản lượng kinh tế (GDP) thế giới vào năm 2100. Nhóm Mạng lưới Xanh hóa hệ thống tài chính (NFGS) đưa ra con số là 13%.

Nơi nào chịu tác động lớn nhất?

Rõ ràng, là các quốc gia đang phát triển. Phần lớn người nghèo trên thế giới đang sinh sống ở các vùng nhiệt đới hoặc vùng trũng thấp đã phải hứng chịu những hệ quả của biến đổi khí hậu, như hạn hán hoặc mực nước biển dâng cao. NFGS dự báo mức thiệt hại tổng sản lượng kinh tế trên 15% đối với phần lớn châu Á và châu Phi.

Ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế của mỗi cá nhân?

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 kết luận rằng, biến đổi khí hậu sẽ khiến có thêm 132 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030. Các yếu tố bao gồm: mất thu nhập từ nông nghiệp, giảm năng suất lao động ngoài trời, giá lương thực tăng cao, gia tăng bệnh tật…

Mất bao nhiêu chi phí để sửa sai?

Chậm trễ trong hành động có thể khiến thế giới mất thêm 3% GDP. Mô hình dự báo kinh tế vĩ mô NiGEM cho thấy hành động sớm thậm chí còn có thể mang lại mức tăng nhỏ cho GDP, nhờ các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng xanh.

Ai bị thiệt trong một thế giới “phát thải ròng bằng 0”?

Chủ yếu là những người hưởng lợi từ nhiên liệu hóa thạch. Một báo cáo của viện nghiên cứu Carbon Tracker ước tính, hơn 1 nghìn tỷ USD hoạt động đầu tư vào lĩnh vực dầu khí sẽ không còn thực tế khi thế giới hướng đến lượng carbon thấp.

Carbon nên có mức định giá là bao nhiêu?

Ðến nay, chỉ 20% lượng khí thải carbon toàn cầu được xác định trong những cơ chế áp thuế hoặc cấp giấy phép trên cơ sở mức thiệt hại do khí thải gây ra, với định giá carbon trung bình ở mức 3 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so mức 75 USD/tấn mà IMF cho rằng là cần thiết.

Sẽ dẫn đến lạm phát?

Lạm phát không nhất thiết sẽ xảy ra, lịch sử cho thấy, thuế carbon khi được áp dụng ở Canada và châu Âu đã đẩy giá cả xuống thấp hơn vì làm giảm nhu cầu tiêu dùng do các hộ gia đình có thể mua sắm ít hơn. Ngay cả khi chúng ta không hành động, vẫn có lạm phát khi giá lương thực và hàng hóa tăng do ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tình trạng thiếu đất canh tác do sa mạc hóa và mực nước biển dâng.

Tiến trình “xanh hóa” có thực sự tách ô nhiễm khỏi tăng trưởng kinh tế?

Tăng trưởng bền vững thực sự đồng nghĩa với việc hoạt động kinh tế có thể phát triển mà không cần tăng thêm lượng phát thải, là cốt lõi của “sự tách rời tuyệt đối”. Nhưng đến nay, bất kỳ sự tách rời nào, phần lớn chỉ mang tính chất tương đối - đơn thuần là đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng phát thải - hoặc đạt được bằng cách chuyển sản xuất gây ô nhiễm từ lãnh thổ quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác.

Ai phải trả giá trong thời gian chuyển đổi xanh?

Ý tưởng về “sự chuyển đổi công bằng” được các cơ quan quản lý như Liên minh châu Âu (EU) tán thành, như việc cần bảo đảm các nhóm thu nhập thấp sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Ở quy mô toàn cầu, các quốc gia phát triển, sau các cuộc cách mạng công nghiệp đã gây ra phần lớn lượng phát thải, cần thực hiện lời hứa sẽ giúp các nước đang phát triển chuyển đổi thông qua khoản viện trợ 100 tỷ USD
hằng năm.

Biến đổi khí hậu có châm ngòi khủng hoảng tài chính?

Hệ thống tài chính toàn cầu cần được bảo vệ trước cả những rủi ro kinh tế của chính biến đổi khí hậu và những tác động có thể xảy ra trong quá trình chuyển đổi sang mức “phát thải ròng bằng 0”. Các ngân hàng trung ương kêu gọi các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác công khai những khoản có rủi ro về biến đổi khí hậu trong sổ sách.

Bình luận của bạn