Các bài thuốc hay từ cây mía
Một số phương thuốc chữa bệnh từ mía:
Trị ho do nhiệt
Nước mía 1,5 lít, hạt cao lương xanh 4 thìa canh, nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn, uống hai lần, có tác dụng nhuận tim phổi dùng trị ho do hư nhiệt, miệng khô, nhỏ dãi.
Chữa nhiệt miệng, khó tiểu tiện
Mía róc bỏ vỏ, nhai nuốt nước, nếu đau miệng dùng ép lấy nước uống. Mỗi ngày dùng nước mía uống 1-3 lần còn trị được khát do nhiệt.
Nôn ọe ở phụ nữ có thai, mồ hôi trộm
Dùng nửa cốc đến 1 cốc nước mía, thêm nước gừng độ 2 đến 5 giọt, hòa đều uống một lần. Ngày 2-3 lần sẽ hiệu quả.
Làm tiêu đờm, trị ho nhiệt, khô miệng
Lấy 50 g nước mía hòa vào một lượng nước vừa đủ để nấu từ 60-100 g gạo tẻ thành cháo, sau đó dùng uống có lợi cho tim phổi và chữa được bệnh trên.
Chữa viêm họng mãn tính
Dùng một lượng nước mía vừa đủ cho mã thầy đã thái nhỏ, một ít rễ cỏ tranh, thêm nước sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày. Uống liên tục 10-15 ngày sẽ hiệu quả.
Chữa băng huyết khi sinh
Lấy 45 cm ngọn mía, rửa sạch, thái nhỏ cùng cho vào 60 g táo đen, đổ thêm nước, đun nóng lấy nước uống thay trà trong ngày. Ngoài tác dụng chữa băng huyết khi sinh, còn trị được chứng khô miệng.
Chữa đi ngoài phân khô
Dùng một cốc nước mía vỏ xanh hòa lẫn vào 1 cốc mật ong, ngày uống hai lần vào lúc sáng (bụng đói) và tối. Vài ngày sẽ hiệu nghiệm.
Chữa tiểu dắt
Róc mía nhai nuốt nước hoặc ép lấy nước uống, ngày 3 lần mỗi lần uống 1-2 cốc nước mía (lưu ý không pha lẫn thứ gì hay bỏ nước đá vào).
Chữa chứng nôn mửa liên tục
Khi thấy xuất hiện tình trạng sáng ăn chiều nôn hay chiều ăn sáng nôn, nhưng không phải là tắc ruột hay hẹp môn vị hoặc một số cấp cứu ngoại khoa khác thì hãy dùng phương này. Lấy 3,5 kg nước mía và một lít nước gừng tươi, hai vị này hòa lẫn nhau rồi chia 3 phần bằng nhau uống mỗi lần 1 phần.
Trị đau nhiệt trong dạ dày
Mía 500 g, hạt cao lương 30 g, ép mía lấy nước cho vào hạt cao lương để nấu thành cháo ăn với cơm sẽ tác dụng.
Nôn nghén do gan, dạ dày không điều hòa
Mỗi lần dùng 1 cốc nước mía hòa lẫn 1 thìa cà phê nước gừng hâm nóng sẽ có tác dụng.
Lưu ý: Do mía có tính hàn nên những người đau bụng hay tỳ vị hư hàn không nên dùng. Không nên ăn mía nhai cả vỏ hoặc không rửa vì ở vỏ mía bám rất nhiều trứng giun và vi khuẩn.