Cách phân biệt tôm sạch với tôm được "tiêm hóa chất"

Tăng trọng tôm bằng nước muối, glixerin và đinh sắt

Để tăng trọng lượng, người ta thường bơm nước muối, thậm chí là bơm glixerin - chất từ thủy phân chất béo vào tôm. Đặc biệt việc làm gian dối này không chỉ tồn tại trong nước mà với con tôm xuất khẩu cũng bị áp dụng cách tăng trọng như vậy. Nhiều nước nhập khẩu tôm của Việt Nam cũng đã cảnh báo hiện tượng này. Khi bị phát hiện bơm glixerin, người ta lại nghĩ ra cách thay glixerin bằng nước muối sinh lý có độ mặn tương tự nước biển. Cách này tồn tại đã khá lâu và từng bị nhiều nước nhập khẩu tôm của Việt Nam cảnh báo.

Một người chuyên bỏ mối thủy sản cho các chợ đầu mối ở Hà Nội cho biết trên báo VietQ: ngay từ giai đoạn con giống, tôm cá đã được “tắm” cơ man các loại hóa chất vượt mức cho phép, từ thức ăn đến thuốc chữa bệnh. Trong quá trình nuôi, chúng tiếp tục được “bồi bổ” bằng thuốc tăng trọng giúp lớn nhanh như thổi. Con tôm sau khi được bơm tạp chất có thành phần chủ yếu là bột agar (bột rau câu) và một số hóa chất, tôm sẽ phình to, bóng mướt, tăng trọng hơn.

Thậm chí, có giai đoạn, các nhà chế biến tôm xuất khẩu còn phát hiện cả đinh sắt lẫn trong tôm do người bán găm vào nhằm tăng trọng lượng. Hành động này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Bộ NN&PTNT đã từng coi đây là một “tệ nạn” với hàng thủy sản xuất khẩu và quản lý rất nghiêm ngặt.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cho biết ngay cả hàng xuất khẩu kiểm soát chặt chẽ vẫn để lọt những lô hàng chứa tôm tạp chất, dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng. Thị trường nội địa đang trở thành nơi tiêu thụ cho các sản phẩm thủy sản bẩn trên vì ngay cả cơ quan quản lý cũng không đủ sức kiểm soát.

Bí quyết mua tôm sạch

Việc tôm nhiễm kháng sinh cấm, bị bơm tạp chất… không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, tôm khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn phát triển. Nếu ăn phải loại tôm này sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa.

Vậy làm thế nào để nhận biết tôm bị bơm tạp chất?

Theo những người có kinh nghiệm, loại tôm được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú.

Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong.

Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.

Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.

Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau. 

Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.

Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Cách chọn tôm tươi ngon

Trước tình trạng tôm bị bơm tạp chất, hoặc dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng..., người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác và khôn ngoan khi chọn loại thủy sản này.

Chắc ăn nhất, bạn hãy tìm mua tôm còn “nhảy tanh tách”, không rớt chân càng, đây là cách an toàn nhất để chắc chắn rằng bạn đang mua tôm tươi sống.

Cách tiếp theo là dành cho tôm đông lạnh hoặc đã hấp, bạn hãy bắt tôm lên, cầm phần đầu và phần đuôi tôm để kéo thẳng tôm ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm mới, còn nếu các khớp này rộng ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu.

Với tôm sú: Không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, bạn nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.

Về mặt cảm quan, khi mua bạn nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn. Thịt trong gắn chặt vào vỏ.

Bình luận của bạn