Cách trị da khô mốc, da vảy cá vào mùa đông
Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Đông, chị Nguyễn Thị Hoa (ở Đại Mỗ, Hà Nội) than thở: Năm nào cứ đến mùa đông làn da tôi lại khô ráp, trông như bị mốc nhưng chưa năm nào tôi bị ngứa như năm nay. Mấy hôm rét đậm, khắp người tôi bong vảy trắng như da rắn còn ngày nắng ấm thì da lại bị khô nứt.
Chị Phạm Thị Lan (ở Triều Khúc, Hà Nội) cũng buồn phiền vì làn da tay chân khô mốc như da rắn của mình. Nhìn đôi bàn tay của chị, một người mới ngoài 20 tuổi, bạn bè không khỏi bị sốc vì da tay chị nhăn nheo, thô ráp. Chỉ cần lấy tay xước nhẹ lên da cũng hiện rõ đường mốc trắng, kẻ những đường rạn nứt như “thửa ruộng” khiến chị mất tự tin khi đi ra ngoài.
ThS.BS Đinh Doãn Thạch – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Hà Đông) cho hay, bệnh nhân bị các bệnh da liễu đến khám thường gia tăng vào mùa đông. Nhiều trường hợp da trông xù xì, sờ vào thô ráp và đôi khi bong hàng lớp các tế bào da chết trông như da bị mốc. Một số bệnh nhân bị ngứa nên đã gãi làm xuất hiện các tổn thương da.
Giải thích nguyên nhân dẫn tới “da rắn” mùa đông, ThS.BS Đinh Doãn Thạch cho biết, thời tiết là một trong tác nhân hàng đầu tác động lên da do nhiệt độ giảm, ánh sáng và độ ẩm, gió xuống thấp tác động lên da khiến da bị đứt liên kết keratine, da bị thiếu dinh dưỡng, bong vẩy sừng. Tùy cơ địa từng người mà da có các mức độ khô nặng, nhẹ khác nhau. Những người vốn thuộc cơ địa da khô thì sẽ bị nặng hơn so với những người có làn da bình thường.
Đặc biệt, những người mắc bệnh da cá sẽ càng nặng hơn do chức năng tiết mồ hôi và chất nhờn trên da giảm rõ rệt so với người bình thường. Khi trời trở lạnh thì vảy cá sẽ lộ ra rõ rệt hơn – da đóng vảy như da cá. Nhẹ thì da khô ráp, róc vảy mỏng. Nặng thì toàn thân da khô ráp, nổi vảy giữa các khe ngang dọc như da rắn, màu nâu xám. Nếu người bệnh gãi, chà xát mạnh rất dễ bị trầy xước, nhiễm khuẩn. Bệnh thường giảm bớt khi thời tiết nắng ấm.
Nguyên nhân khiến da khô nứt nẻ vào mùa đông
- Do cạn dầu tự nhiên trong cơ thể
- Tiếp xúc với hóa chất xà phòng và nước quá nhiều.
- Tắm nước quá nóng sẽ khiến khô da (Ảnh minh họa)
- Tắm nước quá nóng khiến da mất đi độ ẩm dự nhiên.
- Ngâm tay trong nước quá lâu mà không sử dụng phương tiện bảo vệ.
- Giặt quần áo bằng các chất tẩy rửa mạnh khiến da dị ứng.
- Không chăm sóc da thường xuyên.
- Thường xuyên sử dụng máy sưởi ấm trong nhà cũng khiến da khô.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh thiếu các axit béo thiết yếu.
- Ngoài ra thời tiết lạnh, độ ẩm thấp kết hợp với yếu tố nắng gió cũng là nguyên nhân gây ra nứt nẻ da.
Cách khắc phục làn da khô nẻ mùa đông
Sử dụng xà phòng nhẹ
Xà phòng kháng khuẩn hay chất khử mùi yêu thích của bạn có thể có hại hơn là có lợi, tốt nhất bạn hãy sử dụng loại không mùi hoặc chỉ có mùi hương nhẹ.
Tránh cạo lông
Cạo lông khiến làn da bạn bị kích thích, đặc biệt là da khô. Vì vậy nếu cần nên sử dụng kem cạo lông và thay đổi lưỡi dao cạo thường xuyên.
Làm ẩm da
Vẫn nên sử dụng kem dưỡng ẩm ngay cả khi da bạn là da nhờn. Không nhất thiết phải sử dụng các loại kem đắt tiền chỉ cần nó phù hợp và không gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tắm và rửa mặt bằng nước muối ấm
Nước muối ấm sẽ có hiệu quả trong việc điều trị da khô nứt nẻ và giúp tẩy da chết hiệu quả
Tập thể dục
Tập thể dục giúp lưu thông máu, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp làm sạch da từ sâu bên trong cho bạn một làn da khỏe mạnh chống chọi được với thời tiết.
Kem chống nắng
Nên sử dụng kem chống nắng mọi lúc kể cả khi trời mát, các tia cực tím xuất hiện ngay cả khi trời không nắng sẽ gây hại cho làn da của bạn. Chỉ số SPF tối thiểu là 15.
Làm dịu môi
Môi không có tuyến dầu do đó dễ dàng bị khô. Nhiều người có thói quen liếm môi sẽ khiến môi càng nứt nẻ hơn. Nên thoa son dưỡng môi thường xuyên để làm mềm và cung cấp dưỡng chất cho môi.
Uống nhiều nước
Đây là một trong những điều cần thiết nhất và vô cùng quan trọng để cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, hạn chế làn da bị khô nẻ.
Dùng mật ong
Trước khi tắm rửa, hãy chà xát một số mật ong trên khắp cơ thể của bạn và để nó trong 5-10 phút. Mật ong là một trong những chất dưỡng ẩm tự nhiên tốt nhất.
Tìm cách tăng dộ ẩm không khí quanh nơi bạn làm việc
Điều kiện không khí khô hanh thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến làn da của bạn. Vì thế, nếu bạn không thể tránh ngồi trong phòng điều hòa không khí thì ít nhất hãy cung cấp thêm độ ẩm cho phòng bằng cách để một bát nước đầy bên cạnh chỗ bạn ngồi để tăng độ ẩm không khí.
Sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm cho da chăm sóc da khô
Mặ nạ lòng đỏ trứng gà
- Bạn gái thường biết đến công dụng làm đẹp da và trị mụn đầu đen đặc biệt là lòng trắng trứng gà mà không hay biết rằng lòng đỏ trứng gà là một loại “thần dược” cho da khô.
- Trộn một phần lòng đỏ trứng gà với một thìa cà phê sữa bột hoặc bột thuốc bắc (nếu bạn có) và một thìa cà phê mật ong, đánh đều.
- Đắp hỗn hợp này lên tất cả các khu vực da khô trong khoảng 20 phút. Sau đó, rửa lại với nước ấm và cảm nhận sự khác biệt.
Mặt nạ dưa chuột
- Đơn giản, tiết kiệm nhưng hiệu quả là những gì mà mặt nạ dưa chuột mang lại cho bạn. Dưa chuột rất có lợi trong việc điều trị làn da khô. Chúng giữ ẩm cho da và làm da sáng đều màu hơn.
- Bạn có thể cắt lát mỏng hoặc dùng dao nạo bào mỏng từng lớp dưa chuột rồi đắp lên mặt. Chú ý, dù với bất kỳ loại mặt nạ nào, bạn cũng phải rửa sạch vùng da khô cần chăm sóc.
- Đắp dưa chuột trong khoảng thời gian 30 phút và thực hiện liên tục trong vài ngày, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi đáng kể của da.
Mật ong và hoa hồng
- Mật ong luôn là “người bạn đồng hành” đối với những cô nàng sở hữu làn da khô ráp. Nếu không tin, bạn chỉ cần bôi một chút mật ong lên môi, sau 15 phút, rửa sạch và cảm nhận sự khác biệt.
- Nếu thấy làn môi mềm và căng mọng, hãy tiếp tục pha một thìa cà phê mật ong với một thìa cà phê nước hoa hồng, trộn đều rồi đắp lên mặt, cổ và những vùng da khô khác.
- Hỗn hợp “siêu rẻ” này sẽ làm sạch da, cung cấp độ ẩm cho da và quan trọng là làm da trắng sáng hơn. Đây được đánh giá là một trong những biện pháp hữu ích nhất cho da khô.
Các bệnh về da có điều kiện phát tác trong thời tiết giá lạnh (ảnh minh họa).
Cách trị “da rắn”
ThS.BS Đinh Doãn Thạch cho rằng, nếu biết cách chăm sóc da hợp lý sẽ hạn chế được nhiều khả năng da bị khô mốc và mọi người có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Tắm đúng cách: Mọi người không nên tắm nước quá nóng vì sẽ làm giảm lớp mỡ trên da khiến da khô hơn. Cũng không nên tắm bằng nước lạnh, tắm bằng nước ấm là tốt nhất. Ngoài ra, cần lưu ý thời gian tắm nên ngắn hơn ngày hè vì nếu kéo dài thời gian tắm sẽ làm lớp bã nhờn bảo vệ da mất đi khiến da càng khô, nứt nẻ và nhanh lão hóa. Khi tắm cần nhẹ nhàng, không chà xát kỳ cọ mạnh. Có thể tắm bằng nước chanh hòa loãng hoặc pha chút muối khi tắm.
- Uống đủ nước: Những ngày trời hanh khô cần uống nhiều nước hơn. Mỗi sáng dậy nên uống 200-300ml nước. Ngày 2-3 lần lấy khăn thấm nước ẩm ủ lên mặt chừng 1-2 phút để da bớt bị khô và căng. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh.
- Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Khi đi ra đường để hạn chế tiếp xúc với gió hanh gây khô nên mặc quần áo đủ ấm, đeo găng tay thường xuyên. Mùa đông cũng nên dùng loại kem chống nắng có chứa SPF để bảo vệ da.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Việc dùng kem dưỡng ẩm sẽ giúp dưỡng ẩm cho da rất tốt. Ngay khi da còn ẩm, nên thoa ngay kem dưỡng ẩm vào những vùng da dễ bị khô, nứt nẻ để tăng cường độ ẩm và kích thích phục hồi da. Có thể dùng kem làm ẩm da như: Lacticare, A Derma exomega cream hàng ngày. Nếu bị viêm đỏ, mẩn ngứa bạn có thể dùng một đợt kem mỡ steroid 5-15 ngày.
Theo BS Nguyễn Thành – nguyên Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương), việc lựa chọn kem dưỡng ẩm và sử dụng chúng cũng cần phải lưu ý. Kem dưỡng ẩm bản chất là loại rất có ích với da khô nhưng nếu dùng không đúng cách hoặc mua phải loại kem giả, chất lượng kém thì tác dụng đôi khi ngược lại. Người dùng có thể bị kích ứng. Bôi quá nhiều, quá dày sẽ gây bít lỗ chân lông, làm bí da dẫn đến hiện tượng da sần sùi.
Để tránh nguy hại cho da, khi chọn kem dưỡng phải chọn sản phẩm của hãng đã có uy tín, không chứa chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo mùi; không dùng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc; không tự ý dùng thêm những loại thuốc bôi chống khô da để tránh gây dị ứng cho da. Tốt nhất, hãy đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại kem giữ ẩm tốt phù hợp với từng loại da và loại chuyên biệt dành trị da khô mốc, nứt nẻ.