Cháo đậu xanh - Món ăn dân dã nhiều công dụng
Đông hay Tây thì đậu xanh cũng là…“thần dược”
Theo đông y, đậu xanh vị ngọt, hơi tanh, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải được trăm thứ độc, có thể làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt, nhuận họng, hạ huyết áp, mát buồng mật, bổ dạ dày, hết đi tả, thích hợp với các bệnh nhân say nắng, miệng khát, người nóng, thấp nhiệt, ung nhọt, đậu mùa.
Theo y học hiện đại, đậu xanh có thành phần dinh dưỡng rất cao. Bên cạnh thành phần chính là protit, tinh bột, chất béo và chất xơ. Đậu xanh chứa rất nhiều vitamin như vitamin E, B1, B2, B3, B6, C, tiền vitamin A, vitamin K, acid folic; và các khoáng tố gồm Ca, Mg, K, Na, Zn, Fe, Cu, …
Đậu xanh còn là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan. Chất này đi qua đường tiêu hóa, lấy đi những chất béo thừa và loại bỏ khỏi cơ thể trước khi hấp thụ, nhất là cholesterol. Do đó, ăn cháo đậu xanh thường xuyên giúp người béo kiềm chế sự thèm ăn và giảm lượng chất béo nguy hiểm cho cơ thể. Đồng thời đậu xanh giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn nên rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Trong đậu xanh còn có thành phần hạ mỡ máu hữu hiệu nên nó giúp cơ thể phòng chống chứng xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp, đồng thời có công hiệu bảo vệ gan và giải độc.
Cháo lươn đậu xanh
Nhiều người cho rằng đậu xanh là “vua” của các loại đậu, vì tính thông dụng và hữu ích của nó trong đời sống hàng ngày. Đậu xanh được chế biến nhiều món khác nhau theo thói quen từng vùng, miền hay địa phương nào đó. Do người Việt Nam thường có thói quen ăn điểm tâm hoặc ăn khuya bằng các loại cháo, nhưng trong đó thông dụng nhất là cháo đậu xanh, bởi tính nhẹ nhàng thanh sạch và tác dụng giải độc cho cơ thể.