Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ; Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài; Hạn cuối nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116; Một số trường hợp được từ chối tiếp công dân...  là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2021

Giảm thuế GTGT với nhiều hàng hóa, dịch vụ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, từ ngày 1-11 đến hết ngày 31-12-2021, giảm thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ sau:

Dịch vụ vận tải, gồm: vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, vận tải đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm này không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất - kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau: doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT; doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT.

Hạn cuối nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116

Theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, sau khi nhận được danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do cơ quan BHXH gửi mà thấy cần phải điều chỉnh thông tin thì muộn nhất đến hết ngày 10-11, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin để gửi lại danh sách cho cơ quan BHXH, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh. 

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, cơ quan BHXH phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp.

Về phía người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, chậm nhất ngày 30-11 mà chưa nhận được tiền hỗ trợ thì phải tự làm thủ tục thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc đến trực tiếp cơ quan BHXH.

Một số trường hợp được từ chối tiếp công dân

Thông tư 04/2021 ngày 1-10-2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 15-11.

Theo đó, người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân và giải thích lý do từ chối, đồng thời báo cáo với người phụ trách nếu đó là người say rượu, bia; người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi; người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có các hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

Ngoài ra, đơn thư khiếu nại, tố cáo bằng tiếng nước ngoài kèm bản dịch được công chứng sẽ được tiếp nhận xử lý (trước đây chỉ tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo được viết bằng tiếng Việt).

Sửa đổi quy định điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

Có hiệu lực từ ngày 30/11/2021, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 14 về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại như sau: “Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo mẫu, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh".

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 15 về điều kiện nuôi, trồng các loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES vì mục đích thương mại. Theo đó, các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên theo trình tự như sau:

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở, Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định này có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số, Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng của việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên.

Giữ bí mật thông tin, bảo vệ người tố cáo

Thông tư 05/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh có hiệu lực từ ngày 15/11/2021. Thông tư nêu rõ, trong quá trình xử lý đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người tố cáo, nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật. Trường hợp người tố cáo đề nghị được bảo vệ thì người xử lý đơn báo cáo người đứng đầu xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định việc quản lý, theo dõi đơn. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, chuyển đơn có trách nhiệm vào sổ hoặc nhập thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định hoặc phần mềm xử lý đơn để tra cứu, quản lý, theo dõi. Việc lưu trữ, vào sổ theo dõi hoặc sao lưu dữ liệu trên máy tính, tra cứu thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra

Thông tư 06/2021/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2021. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan thanh tra và các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình trong công tác thanh tra; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của đoàn thanh tra; các khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, tố cáo liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra.

Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ 22/11/2021.

Theo Thông tư, việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực tiếng Việt cho người có nhu cầu theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt phải bảo đảm nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực tiếng Việt của người được đánh giá về 4 kĩ năng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc, viết.

Về hình thức thi: Các kĩ năng nghe, đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy tính. Kĩ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính. Đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Bộ GD&ĐT quy định mẫu chứng chỉ tiếng Việt. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Việt do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định./.

 

Bình luận của bạn