Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.

Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn năm 2016-2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây đã đánh giá khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm vừa qua; đồng thời, tập trung phân tích hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường nước, không khí và môi trường đất; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn... trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt cả ở trong nước và quốc tế.

Đồng thời, xác định những vấn đề tồn tại, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020; nhận diện các thách thức trong công tác quản lý và đề xuất các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường 

Chương 1: Tổng quan về phát triển kinh tế- xã hội và tác động lên môi trường

Chương 2: Biến đổi khí hậu, thiên tai

Chương 3: Phát sinh, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại

Chương 4: Môi trường nước

Chương 5: Môi trường không khí

Chương 6: Môi trường đất

Chương 7: Đa dạng sinh học

Chương 8: Tác động của ô nhiễm môi trường

Chương 9: Quản lý môi trường

Chương 10: Những thách thức và định hướng bảo vệ môi trường 5 năm tiếp theo

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đạt những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội (KT-XH); mặc dù đầu nhiệm kỳ (2016) gặp sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại bốn tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), cuối nhiệm kỳ (2020) bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao của thế giới.

Trong đó, 04 năm đầu (2016 - 2019), nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8%/năm; năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng đã gây áp lực lớn lên môi trường do các loại chất thải phát sinh từ hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) hiện nay và giai đoạn tiếp theo.

Công tác BVMT đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số khu vực như: ô nhiễm môi trường nước ở một số đoạn sông chính chảy qua khu đô thị, các làng nghề; ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh; vấn đề tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây tác động tiêu cực đến môi trường đất. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường cũng là thách thức không nhỏ đối với công tác BVMT.

Đánh giá chung về công tác BVMT thời gian qua, Báo cáo khẳng định, công tác quản lý nhà nước về BVMT được chú trọng, đã chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm. Việc hình thành và duy trì hàng loạt hoạt động giám sát tại các cơ sở có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao đã mang lại hiệu quả rõ rệt, sự cố môi trường đã được kiểm soát; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, đặc biệt là các điểm ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, vận hành ổn định; xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng ngề, cơ sở sản xuất sinh thái thân thiện với môi trường.

Các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt, có sự cải thiện dần qua từng năm và so với giai đoạn trước, trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ hoàn thành, xử lý cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH đô thị; tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là việc Quốc hội thông qua Luật BVMT 2020, trong đó đã cải cách thể chế môi trường của Việt Nam theo hướng tiếp cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Nhận thức của người dân về môi trường, đặc biệt là ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong chấp hành pháp luật BVMT đã được nâng lên một bước. Tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm. Chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về BVMT tăng dần qua từng năm.

Với việc cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường.

Chi tiết Báo cáo, xem tại đây.

Bình luận của bạn