Công dụng chữa bệnh của gạo nếp
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, gạo nếp (tên thuốc là ngạnh mễ hay nhu mễ) có vị ngọt, thơm, mềm dẻo, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, chống hư tổn.
Chữa nôn mửa không dứt: Gạo nếp 20g, sao vàng phối hợp với gừng tươi 3 lát giã nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày. Hoặc gạo nếp, mạch môn, đẳng sâm mỗi thứ 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống.
Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng:
Món cơm nết (Ảnh: leboutdumonde) |
Gạo nếp, mai mực, cam thảo, hàn the phi, mẫu lệ nung, hoàng bá, kê nội kim mỗi thứ 50g, làm khô, tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 20-30g với nước ấm. Nước sắc đặc gạo nếp rang uống thay nước trong ngày để chống mất nước, háo khát trong trường hợp tiêu chảy.
Gạo nếp thổi xôi là thức ăn - vị thuốc cần thiết cho người yếu dạ, nhất là người bị đau loét dạ dày không ăn được cơm tẻ. Xôi nếp giã nát là chất phụ gia cùng với nhiều vị thuốc khác dùng đắp bó gãy xương rất tốt. Để làm các loại thuốc viên, hoàn, người ta sử dụng bột gạo nếp như một chất kết dính dưới dạng hồ.
Cơm nếp hoặc cháo gạo nếp trộn với bột mầm hạt lúa mạch theo tỷ lệ 10/1, giữ ở nhiệt độ 70oC trong 12 giờ, rồi ép lọc bỏ bã, cô ngay đến độ cao mềm sẽ được kẹo mạch nha; nếu trộn với bột mầm hạt thóc tẻ lại được kẹo mạ. Cả hai sản phẩm này đều được dùng làm thuốc bổ tỳ, mạnh dạ dày, giúp tiêu hóa, nhuận phổi, lợi sữa.
Cháo gạo nếp nấu suông gọi là cháo hoa, có tác dụng “mát ruột” cho những trường hợp “nặng bụng”; nếu nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò lợn, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung có tật là món ăn - vị thuốc cổ điển và phổ biến làm tăng tiết sữa. Nước cháo gạo nếp lại là thức ăn rất tốt để nuôi dưỡng trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Cám gạo nếp có chất phytin được dùng làm thuốc bổ chữa tê phù và chứng nghẹn dưới dạng chè (cám gạo nếp nấu với đậu đỏ và đường) hoặc dạng cháo (cám gạo với ý dĩ nấu ăn).
Ngoài ra, nước vo gạo đặc cũng được dùng để chế biến các dược liệu, làm cho tính dược của thuốc được êm dịu, bớt háo nóng, giảm độc tính.