Giáo sư đầu ngành "vạch mặt" nguyên nhân gây ra 80% ca ung thư
Ám ảnh ung thư là số mệnh
Năm 2000, theo thống kê tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca.
Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca và đến nay ung thư đang trở thành gánh nặng cũng như nỗi ám ảnh của biết bao người.
Giáo sư Đức không thể nào quên những bệnh nhân oà khóc vật vã khi biết mình bị ung thư. Họ nghĩ rằng ung thư là do số phận, là định mệnh là ông trời gọi họ về với tổ tiên.
Nhưng theo vị giáo sư đầu ngành thì ung thư không phải là số mệnh, không phải là “quả báo” như người ta vẫn nghĩ mà đó là bệnh bất kỳ ai cũng có thể mắc phải ngay cả những bác sĩ chuyên ngành ung thư cũng từng mắc phải ung thư.
Ung thư không phải là chết điều quan trọng là cần có thói quen kiểm tra sức khoẻ và lắng nghe cơ thể mình để thấy những thay đổi dù nhỏ nhất. Nếu lắng nghe cơ thể, phát hiện bệnh sớm thì bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.
“Tôi từng có người bạn mắc ung thư gan sống đến hơn 20 năm, một bệnh nhân mắc ung thư vú đến nay đã 43 năm và vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.
Đáng tiếc, những trường hợp đó không nhiều, còn tới 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta đều đến viện khi đã ở giai đoạn muộn. Khi đó hiệu quả điều trị sẽ hạn chế hơn”, GS Đức trăn trở.
Vị giáo sư chia sẻ để hiểu về ung thư trước hết người ta phải biết ung thư là gì. Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào trong cơ thể.
Cơ thể con người do hàng tỷ tế bào tạo nên. Mỗi tế bào được ví như những viên gạch để xây dựng nên toà lâu đài cơ thể người. Bình thường tế bào sinh trưởng và phân chia để tạo ra tế bào mới chỉ khi cơ thể cần chúng.
Quá trình này diễn ra một cách tuần tự theo quy luật tự nhiên được xác định giúp cơ thể khoẻ mạnh.
Nếu trong quá trình phát sinh, phát triển tế bào bị tác động bởi các tác nhân gây tổn thương làm rối loạn các thành phần mang tính di truyền trong nhân tế bào thì chúng có thể trở nên ác tính, phân chia không tuân theo quy luật, phát triển không kiểm soát thành ung thư.
Những tế bào này có thể xâm lấn gây tổng thương mô và cơ quan lân cận hoặc tác khỏi khối ban đầu đi vào mạch máu, bạch huyết. Sự lan rộng của bệnh được gọi là di căn.
Nguyên nhân gây ung thư do cả yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh trong đó yếu tốt nội sinh chiếm khoảng 10 % - 20 % còn lại chủ yếu là do ngoại sinh như lối sống, sinh hoạt, ăn uống và lười vận động.
Theo giáo sư Đức lối sống dẫn tới 80% nguyên nhân gây ung thư trong đó các yếu tố nguy cơ điển hình đó là hút thuốc, rượu bia và thực phẩm bẩn. Ngay cả lối sống sinh hoạt cũng có thể dẫn đến bệnh.
Giáo sư Đức nhấn mạnh chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư vú.
Các chất bảo quản, nhuộm mày thực phẩm có nguồn gốc hoá học, các chất trung gian chuyển hoá và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại tràng.
Các loại thực phẩm như thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
Gạo, lạc là hai loại thực phẩm dễ bị nấm mốc Aspergillus flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là aflatoxin gây ung thư gan nguyên phát.
Ô nhiễm môi trường ở nước ta, hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dùng phổ biến trong nông nghiệp là yếu tốt nguy cơ gây ung thư vú và một số loại ung thư khác.
Thực phẩm bẩn – người dân Việt chưa biết về đâu
Theo giáo sư Đức nguyên nhân ung thư như hiện nay do gen rất ít, do nội sinh tự con người sinh rất thấp chỉ dưới 10 % còn phần lớn do môi trường trong đó có thực phẩm gây ra nhiều loại ung thư.
Nói đến thực phẩm bẩn, ông cho biết bản thân ông cũng như nhiều người dân Việt hầu như ngày nào cũng nghe thấy ở đâu đó có thông tin về thực phẩm bẩn, thậm chí người ta còn tiêm thuốc an thần vào lợn, chất tạo nạc.
Ông thở dài: “Đúng là an thần cho lợn mà bất an cho người. Người ta tiêm để thịt đỏ tươi lâu còn người tiêu dùng thì hứng chịu, không chỉ gian lận thương mại mà còn đầu độc người tiêu dùng”.
Thực phẩm bẩn là quốc nạn, nếu nhà nước, các cơ quan quản lý không vào việc chặn đứng cái này thì không biết sức khoẻ của người dân sẽ đi về đâu, đất nước Việt Nam không biết ra sao.
Cũng là người tiêu dùng, là một người dân, giáo sư Đức lo lắng vô cùng. Ở nhà ông thì vợ hay đi chợ nhưng hầu như có chọn được thực phẩm sạch hay không cũng không dám nói vì mình không biết nguồn gốc của thực phẩm ở đâu.
Thậm chí các nhà khoa học cũng không tìm được trừ khi thực phẩm mình mua về được đưa vào phòng thí nghiệm xem có chất tạo nạc không, còn tồn dư hoá chất hay không còn mắt thường thì họ cũng không thể nhận ra.
Bình thường, người ta chỉ cố tin vào nguồn gốc của sản phẩm là chính và tin rằng chịu khó mua đắt hơn sẽ có những thực phẩm an toàn còn không ai dám vỗ ngực tự hào “tôi biết chọn được thực phẩm an toàn”.