Loại bỏ độc tố cho lá gan khỏe mạnh.

Như chúng ta đã biết, gan là cơ quan quan trọng hoạt động với nhiều chức năng bao gồm cả việc sản xuất protein huyết tương; chuyển hóa chất dinh dưỡng; giải độc, bài tiết chất độc… Nếu không có lá gan, cơ thể chúng ta sẽ không được bảo vệ để chống lại các tác nhân bên ngoài.

Mối nguy cho gan

Anh Tuấn, (35 tuổi, Hải  Phòng) là công nhân xây dựng, vì tính chất nghề nghiệp nên môi trường làm việc của anh luôn trong tình trạng ô nhiễm, khói bụi, nắng mưa thất thường… khiến sức khỏe suy giảm, thể trạng gầy yếu. Vì vậy, anh đi khám bệnh để mong cải thiện sức khỏe. Trải qua các bước xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, kết quả chẩn đoán cho thấy anh bị nhiễm độc gan với chỉ số men ALT tăng cao.

Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ ăn tẩm hóa chất độc hại, thức khuya, làm việc quá sức, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn… và gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe.

TS.BS Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Gan, Trung tâm Y khoa Medic (Hòa Hảo), cho biết: những “độc tố” gây tổn hại cho gan có mặt khắp nơi: dung môi dùng trong công nghiệp; chất gây ô nhiễm môi trường hay các loại hóa chất độc hại như carbon tetrachloride có trong cồn khô, thuốc tẩy rửa, khử dầu mỡ trên kim loại … Nếu hít phải những độc chất này có thể gây ra tình trạng lú lẫn, co giật, hôn mê, tổn thương, xơ gan, hoại tử gan… thậm chí ở mức độ nặng có thể gây ra tử vong.

Ngoài ra, những người kết thân với bia rượu hay sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, tăng trưởng cơ, trị bệnh tâm thần, viêm loét dạ dày, kháng sinh, ức chế miễn dịch, gây mê, giảm đau, lao, cao huyết áp, ngừa thai, tiểu đường… cũng có khả năng bị ngộ độc gan.

TS.BS Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Gan, Trung tâm Y khoa Medic (Hòa Hảo) (hình do BS Thu Thuỷ cung cấp)

Theo TS.BS Thu Thủy, trong cơ thể, tất cả các bộ phận đều hoạt động nhịp nhàng, linh hoạt như hệ thống dây chuyền nhà máy. Gan làm nhiệm vụ thanh lọc tất cả các loại đồ ăn, thức uống đưa vào. Nó đủ thông minh để nhận biết đâu là chất độc để thải ra, đâu là dinh dưỡng để giữ lại. Tuy nhiên, khi các loại độc tố đưa vào cơ thể quá nhiều, dồn dập thì gan sẽ hoạt động quá công suất và lâu dần sẽ bị tổn thương.

“Con người là sinh vật tinh vi, hoàn hảo và rất thông minh. Cơ thể con người gồm nhiều hệ thống hoạt động liên tục không ngừng, chỉ ngừng hoạt động khi con người chết đi. Vì vậy không thể nói là gan khi nào bắt đầu thanh lọc, nó hoạt động suốt. Nếu thức khuya, lao tâm nhiều thì ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong đó có gan”, TS. BS Thu Thủy nói thêm.     

Chú ý chế độ dinh dưỡng

Nhiễm độc gan đôi khi khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Việc phát hiện bệnh chỉ được biết sau khi bệnh nhân làm xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng bất thường như vàng da, hơi thở có mùi, đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nước tiểu có màu tối, sốt, phát ban… thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để có phương pháp can thiệp kịp thời.

Theo TS.BS Thu Thủy, việc chẩn đoán tổn thương gan thường dựa trên hoàn cảnh bệnh và sự nghi ngờ của bác sĩ; các chỉ số từ kết quả sinh thiết gan để biết mức độ tổn thương gan; men ALT tăng hơn gấp ba lần bình thường; triệu chứng khởi phát bệnh như vàng da bất ngờ; sốt, mệt mỏi, tuổi tác, thuốc dùng… Việc điều trị nhiễm độc gan chủ yếu dựa trên nguyên nhân gây bệnh.

Tuy nhiên, cần chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tạo ra lớp miễn dịch chống lại tác nhân độc hại; sử dụng sản phẩm từ nhà sản xuất uy tín, có chứng nhận từ cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứa hóa chất độc hại, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt.

Trong các bữa ăn hàng ngày, cần bổ sung thêm các vitamin E, B1, B2, B6, protein, canxi, không dưới 800mg/ngày; ăn nhiều rau xanh… Ngoài ra, những sản phẩm chứa hỗn hợp enzym tự nhiên, chiết xuất bằng công nghệ sinh học từ những loại rau củ quả rất quen thuộc với đời sống hàng ngày như đu đủ, củ cải, mướp đắng, gấc… cũng giúp tăng cường chức năng gan, tăng quá trình thải độc trong cơ thể, phòng ngừa các bệnh về gan.

Bình luận của bạn